COVID-19 tại ASEAN hết 2/2: Indonesia dẫn đầu về ca mắc mới; Cả khối thêm 102 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 2/2, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 56.089 ca mắc COVID-19 và 102 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.761.236 ca, trong đó 314.276 người tử vong.

Indonesia dẫn đầu ASEAN về số ca nhiễm mới trong ngày 2/2. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 17.895 COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên 4.387.286 ca. Indonesia cũng có 25 ca tử vong mới trong ngày 2/2.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm tại Indonesia đã tăng mạnh trở lại kể từ ngày 11/1 vừa qua sau kỳ nghỉ lễ cuối năm kéo dài, bất chấp các cơ quan y tế gồng mình ngăn chặn biến thể Omicron.

Indonesia quyết định sẽ mở cửa dần cho mọi du khách quốc tế kể từ ngày 4/2. Hòn đảo nghỉ dưỡng Bali sẽ là nơi đầu tiên đón tiếp du khách từ mọi quốc gia từ ngày 4/2. Thông báo này được giới chức đưa ra sau hơn 3 tháng kể từ khi hòn đảo mở cửa đối với một số quốc gia. Quyết định trên được đưa ra bất chấp ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở Indonesia trong tháng này do ảnh hưởng của biến thể Omicron.

Trước đó, Bộ Y tế Indonesia đã quyết định triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ ba) bằng một nửa liều với vaccine Pfizer và Moderna.

Việt Nam đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới với 8.744 ca trong ngày 2/2, nâng tổng số ca mắc lên 2.295.494 ca.

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 8.587 ca trong ngày 2/2. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Thái Lan là 2.456.551. Thái Lan có 22 ca tử vong mới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan ghi nhận ca mắc đầu tiên nhiễm biến thể Omicron hồi tháng 12/2021, buộc quốc gia Đông Nam Á này ra quy định cách ly bắt buộc đối với các du khách nước ngoài. Theo ông Kitphati, cho tới nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm biến thể Omicron.

Chính phủ Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 từ ngày 31/1, với ưu tiên dành cho những nhóm dễ bị tổn thương. Trước đó, Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Cho đến nay, đã có khoảng 4,5 trong số 5 triệu thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi ở Thái Lan được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 4 triệu em đã được tiêm mũi thứ 2.

Philippines đứng thứ tư về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 2/2 với 7.661 ca, nâng tổng số ca mắc lên 3.577.298 ca. Philippines có 43 ca tử vong mới trong ngày.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4. Số ca mắc mới ở nước này đã giảm mạnh trong mấy ngày gần đây sau khi tăng vọt lên trên 30.000 ca/ngày.

Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, số ca mắc COVID-19 và số ca nhập viện ở vùng thủ đô Manila (Metro Manila) đang giảm xuống. Hiện khu vực này được xếp loại ở mức rủi ro trung bình. Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm của đại dịch COVID- 19 kể từ khi đại dịch này bùng phát hồi năm 2020. Quốc gia này đã ghi nhận số ca mắc cao nhất trong một ngày vào ngày 15/1 vừa qua với 39.004 ca mắc mới.

Philippines đã lên kế hoạch mở cửa lại biên giới từ tháng 2 tới, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ từ ít nhất 150 quốc gia, nhập cảnh mà không cần cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở của chính phủ. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết biến thể Omicron có tỷ lệ lây nhiễm ở Philippines "thậm chí có thể cao hơn ở các quốc gia mà Manila đang hạn chế đi lại". Tiến sĩ Vergeire nói thêm rằng các nghiên cứu cho thấy hầu hết các ca nhiễm virus là do lây truyền từ cộng đồng chứ không phải do người Philippines ở nước ngoài trở về.

Singapore đứng thứ 5 khu vực về ca nhiễm mới với 6.264 ca mắc trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Singapore là 359.075 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. Hiện 87% dân số Singapore đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 88% đã tiêm ít nhất 1 mũi. Tính tới cuối năm 2021, khoảng 41% dân số đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Hơn 20.000 trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Malaysia đứng thứ 6 khu vực về ca nhiễm mới với 5.566 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Malaysia là 2.876.324 ca. Malaysia có 7 ca tử vong trong ngày 2/2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sungai Buloh, Malaysia, ngày 28/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Do biến thể Omicron, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Malaysia cũng tích cực triển khai việc tiêm mũi tăng cường song song với các hoạt động chuẩn bị triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào đầu tháng 2 tới.

Trong bối cảnh có đồn đoán rằng chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.

Tới nay, trên 45% người trưởng thành tại Malaysia đã được tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, 97,9% dân số trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng các mũi cơ bản. Ở lứa tuổi từ 12-17, đã có 88,3% người hoàn thành tiêm chủng.

Các quốc gia ASEAN còn lại ghi nhận dưới 1.000 ca mắc mới trong ngày 2/2: Myanmar (861 ca), Lào (463 ca) và Campuchia (48 ca).

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-22-indonesia-dan-dau-ve-ca-mac-moi-ca-khoi-them-102-ca-tu-vong-20220202203729708.htm