Công nghệ tuần qua: Nhật Cường Mobile bất ngờ bị khám xét

Hơn 10h ngày 9/5, hàng chục cảnh sát đã tới khám xét trụ sở chính của chuỗi Nhật Cường Mobile trên phố Lý Quốc Sư. Ngay sau đó, hệ thống này đồng loạt đóng cửa.

Cửa hàng Nhật Cường Mobile trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội bị khám xét ngày 9/5

Nhiều cửa hàng Nhật Cường Mobile bị khám xét

Hơn 10h ngày 9/5, cả chục cảnh sát tới khám xét trụ sở chính của chuỗi Nhật Cường Mobile trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. 6 cảnh sát cơ động bảo vệ ở bên ngoài.

Cùng thời điểm, nhà chức trách kiểm tra trụ sở Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tại phố Trần Phú, quận Hoàn Kiếm.

Cảnh sát cơ động bảo vệ việc khám xét cửa hàng Nhật Cường Moble trên phố Lý Quốc Sư lúc 12h ngày 9/5. Ảnh: Tất Định

Nhân viên bảo vệ tại cửa hàng trên phố Nguyễn Văn Cừ cho biết công an đến từ 9h15, đã tạm giữ toàn bộ điện thoại, máy tính bảng, phụ kiện ở cửa hàng. Việc khám xét dừng lúc 13h15.

Hiện, 9 cửa hàng của Nhật Cường Mobile trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi và Láng Hạ... đồng loạt đóng cửa. Các số điện thoại đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách, bán hàng, bảo hành... đều ngắt kết nối.

Tại cửa hàng trên phố Lý Quốc Sư, gần 12h liên tiếp hai xe tải chuyên dụng của cảnh sát đi tới. Hàng chục thùng giấy cỡ lớn được khiêng lên xe. Cửa hàng sau đó đóng cửa, tắt điện. (Xem thêm)

“Số phận” những thiết bị đang bảo hành ở Nhật Cường Mobile giờ ra sao?

Theo tìm hiểu của BizLIVE, hiện tại tất cả các cửa hàng bán lẻ của Nhật Cường Mobile đều đã dừng mọi hoạt động bán hàng. Tuy nhiên, đến chiều ngày 10/5, trung tâm bảo hành của hệ thống này tại địa chỉ C4 Giảng Võ (Hà Nội) đã mở cửa. Cửa hàng chỉ mở một lối ra vào nhỏ có bảo vệ và hai nhân viên lễ tân bên trong.

Trao đổi với BizLIVE, nhân viên của Nhật Cường Mobile cho biết, phần mềm nội bộ của công ty đã lỗi và không thể tra cứu bất cứ thiết bị của khách hàng, các phương thức liên lạc đều đã ngừng hoạt động nên khách hàng đang bảo hành, sửa chữa máy tại tất cả các cửa hàng của Nhật Cường chỉ có thể đến địa chỉ tại Giảng Võ để lấy thiết bị.

Tuy nhiên, do hệ thống phần mềm đã lỗi, nhân viên đều nghỉ và các cửa hàng chưa biết đến khi nào mới mở cửa trở lại nên chỉ có thể dùng thông tin thiết bị qua phiếu sửa chữa thiết bị để nhân viên kiểm tra thiết bị đó đã được bộ phận kỹ thuật sửa chữa chưa, nếu chưa sửa chữa sẽ trả lại khách hàng để mang đi sửa chữa ở đơn vị khác. (Xem thêm)

“Hệ sinh thái” Nhật Cường đóng góp gì cho thành phố thông minh tại Hà Nội?

Hiện nay tiêu chuẩn của một thành phố thông minh được các chuyên gia xác định gồm có các thành phần gồm mạng viễn thông, hệ thống nhúng thông minh, hệ thống giám sát gồm các cảm biến, camera, phần mềm và người dân.

Và hiện nay tại Hà Nội, Nhật Cường đang là “tên tuổi lớn” trong việc cung cấp phần mềm và hệ thống camera giám sát tại một số địa bàn trên thành phố.

Với mảng phần mềm, hiện nay hãng phần mềm này đang cung cấp dịch vụ phần mềm cho hầu hết các cơ quan hành chính của Hà Nội như Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Công an thành phố, sở Thông tin và Truyền thông, sở Giáo dục và Đào tạo, sở Công thương…

Nhật Cường cũng cung cấp cả những hệ thống cơ sở dữ liệu và hiện nay đang có cả phần mềm quản lý dữ liệu tội phạm và dân cư. (Xem thêm)

“Cha đẻ” BPhone: “Sản xuất smartphone là sứ mệnh chứ không chỉ vì tiền”

Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bkav cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng sáng tạo không giới hạn, không bị giới hạn về công cụ hay biên giới khi các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm kiếm các nhà cung cấp trên thế giới. Điển hình như để sản xuất smartphone, Bkav cần hợp tác với hơn 100 nhà cung cấp, tương tự, các nhà sản xuất lớn như Apple hay Samsung cũng đều như vậy.

Với việc sản xuất smartphone, ông Quảng tiết lộ đã bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất điện thoại thông minh nhưng chưa thu về lợi nhuận. "Cách làm smartphone của Bkav là tập trung vào sứ mệnh sản xuất ra chiếc điện thoại made in Vietnam chứ không chỉ tập trung vào thương mại". (Xem thêm)

Giá trung bình của ô tô nhập khẩu từ Indonesia thấp kỷ lục, chưa đến 300 triệu đồng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2019, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 10.868 chiếc, trị giá hơn 244 triệu USD. So với tháng 3/2019, lượng ô tô nhập khẩu giảm 18% về số lượng và 20,9% về giá trị.

Cộng dồn đến hết tháng 4, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đạt 50.682 xe với giá trị 1,125 tỷ USD, tăng 662,2% về số lượng và giá trị nhập khẩu tăng 535,7%.

Về xuất xứ, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan có số lượng lớn nhất lên tới 5.620 chiếc, trị giá hơn 115 triệu USD, chiếm 51,7% về số lượng và 47,1 % về giá trị trong toàn bộ lượng ô tô nhập khẩu vào tháng 4/2019. (Xem thêm)

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/cong-nghe-tuan-qua-nhat-cuong-mobile-bat-ngo-bi-kham-xet-3506110.html