Còn vang mãi bài ca, điệu múa của những nghệ sĩ - chiến sĩ

Trong không khí ấm áp mùa xuân, các thế hệ nghệ sĩ của Tổng đội Văn công Tổng cục Chính trị (TCCT), nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã tề tựu bên nhau tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội) đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập (15-3-1951 / 15-3-2021).

Rất nhiều những lời thăm hỏi, rất nhiều những ký ức, chuyện kể tưởng chừng như không dứt của những người từng có một thời kề vai sát cánh bên nhau trên những trận địa, chiến hào, chia ngọt sẻ bùi, góp nên truyền thống vẻ vang đơn vị nghệ thuật được ví như “cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật Quân đội Việt Nam suốt 70 năm qua.

Các thế hệ nghệ sĩ tại buổi gặp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhà hát.

Đến nhà hát từ rất sớm, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho lên phòng truyền thống để thắp những nén hương tưởng nhớ đồng đội của mình. Ngắm nhìn hình ảnh những nghệ sĩ, nhạc sĩ như: Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đức Toàn... bao ký ức về một thuở kề vai sát cánh cùng các đàn anh như ùa về trong lời kể đầy tự hào của nhạc sĩ Doãn Nho: Tính theo tuổi ta thì Tết năm Nhâm Dần (2022) tới tôi tròn 90 tuổi. Với người già, mừng nhất là gặp lại bạn bè thời thanh xuân sôi nổi.

“Đứng trong căn phòng truyền thống được thế hệ trẻ ngày nay trang trọng ghi lại những dấu ấn lịch sử, tôi cảm động lắm!”, nhạc sĩ Doãn Nho xúc động nói. Rồi ông kể, từ tấm gương người anh nghệ sĩ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đảm nhiệm phụ trách đoàn những ngày đầu tiên mới thành lập và là đội trưởng đội xung kích trực tiếp có mặt ở chiến hào Him Lam trong trận đánh mở màn thắng lợi, đã ngay lập tức viết nên ca khúc “Trên đồi Him Lam”. Ngay sau đó, khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tiếp tục có bài “Giải phóng Điện Biên”. Hai bài hát vang lên khúc khải hoàn thắng lợi của quân và dân ta, dường như đã khẳng định những dự báo của người nhạc sĩ tài ba khi viết ca khúc “Hành quân xa” năm 1953 với những ca từ đầy khí thế: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi...”.

Tiết mục hát múa "Lời ca nâng bước quân hành" biểu diễn trong buổi gặp mặt.

Ba ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật còn vang mãi về sau; đồng thời cũng luôn là những ca từ, nhịp điệu thôi thúc các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát trên chặng đường 70 năm qua. Tiếp nữa là nhạc sĩ Huy Du với “Anh vẫn hành quân”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” cùng nhiều bài tình cả nổi tiếng trong thời chống Mỹ cứu nước. Nhạc sĩ Huy Thục, một trong những người tham gia viết kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, và trở thành vở kịch múa đầu tiên của nền kịch múa Việt Nam, vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt trao đầu tiên...

Những nghệ sĩ của đoàn vừa hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo của mình vừa đóng vai trò là người sáng tác, đã để lại cho đời những tác phẩm mẫu mực và đi sâu vào lòng công chúng suốt nhiều chục năm qua.

Ca sĩ Viết Danh và tốp múa thể hiện tác phẩm "Đường chúng ta đi".

Với Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, trong ngày gặp mặt kỷ niệm 70 năm truyền thống của nhà hát, ông đã rất mừng bởi còn gặp lại biết bao gương mặt nghệ sĩ đã đồng hành với mình trên những chiến hào, mặt trận trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Là NSND Tường Vy, nghệ sĩ Mộng Tước, Mộ La... góp mặt trong dàn hợp xướng “Sóng cửa Tùng”; là những nghệ sĩ Quang Mạo, Dương Minh Đức... trong “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”...

Các thế hệ nghệ sĩ về với buổi gặp mặt truyền thống của nhà hát là còn về với cả một “cuốn sử” anh hùng 70 năm từ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới, bảo vệ biển cả, xây dựng và phát triển đất nước của ngày hôm nay. Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh bảo rằng ông rất hạnh phúc vì được sống trong những khoảnh khắc được gọi là kỷ niệm: “Chúng tôi hay trêu đùa nhau đây là “cuộc hành binh lịch sử trên các chặng đường của đất nước”, không chỉ phục vụ quân và dân ở khắp mọi miền đất nước, mà ở đây còn là tình yêu đối với Đảng, đất nước, quân đội; giữa đồng đội với nhau một cách sinh động, đầy sức thuyết phục thông qua các tác phẩm âm nhạc cũng như múa. Tên tuổi các tác giả, tác phẩm của nhà hát đã vượt khỏi không gian giới hạn một đoàn nghệ thuật Quân đội mà đến gần với nhân dân, hòa vào nhân dân, vì lẽ đó đã khẳng định vị thế, trở thành một trong những đoàn nghệ thuật lớn của quốc gia”.

Các thế hệ nghệ sĩ cùng hòa giọng hát vang ca khúc truyền thống về TCCT.

Gặp nhau trong ngày truyền thống của đơn vị, với các thế hệ nghệ sĩ là trao cho nhau ngọn lửa, cho nhau tình yêu, là sự tin tưởng, cổ vũ tiếp tục cống hiến, tiếp tục đam mê. Bởi từ quá khứ hào hùng, những nghệ sĩ của Tổng đội Văn công TCCT cho tới ngày nay với tên gọi Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, từ những chương trình nghệ thuật hoành tráng cho đến những tiết mục nhỏ, một giai điệu âm nhạc, một động tác múa cũng tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt là nghệ thuật đó mang phong cách quân nhân, giá trị biểu đạt mang đậm giá trị Bộ đội Cụ Hồ.

Cảm nhận những chia sẻ mừng vui, những ký ức của các thế hệ nghệ sĩ đi trước trong buổi gặp mặt, Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (NSƯT Hồng Hạnh), Giám đốc nhà hát xúc động nói: “Thế hệ chúng tôi đang được vinh dự tiếp bước quá khứ hào hùng với hàng loạt những cái tên tác giả, nghệ sĩ đã đánh dấu trong bảng vàng của nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Các nghệ sĩ hôm nay đang được các bác, các cô, các chú nói vui nhưng cũng như nhắn gửi, rằng nhà hát đang làm nhiệm vụ của một cuộc giao ban lịch sử trong chặng đường bước tiếp. Sự tin tưởng, chờ đợi của các nghệ sĩ đi trước chắc chắn sẽ luôn được chúng tôi khắc ghi, tiếp tục đoàn kết, tiếp tục phát huy để nhà hát đi tiếp chặng đường vẻ vang mà từ nền tảng, truyền thống, quá khứ đã góp phần tạo dựng lên cho hình ảnh đẹp đẽ của nhà hát”.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/con-vang-mai-bai-ca-dieu-mua-cua-nhung-nghe-si-chien-si-654216