Con trên 7 tuổi có quyền lựa chọn ở với cha hoặc mẹ khi ly hôn không?
Bạn Huyền Nhi (Hải Phòng) hỏi: Chị gái tôi quyết định ly hôn chồng sau 12 năm chung sống. Hai vợ chồng anh chị có một con gái chung, hiện cháu đã hơn 7 tuổi. Trong quá trình giải quyết ly hôn, cả hai anh chị không thống nhất được về người trực tiếp nuôi con. Vậy xin hỏi, cháu gái tôi đã trên 7 tuổi thì có quyền lựa chọn ở với bố hoặc mẹ khi ly hôn không? Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn được xác định như thế nào?
Luật sư Lê Thị Thùy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Căn cứ tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014 quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đồng thời, căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định, việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật HN&GĐ 2014 và khoản 3 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 phải bảo đảm các yêu cầu: Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình; Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con; Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.
Như vậy, con từ đủ 7 tuổi trở lên có quyền bày tỏ nguyện vọng muốn sống với bố hoặc mẹ khi bố mẹ ly hôn. Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng này, nhưng quyết định cuối cùng vẫn dựa trên lợi ích mọi mặt của con.
Căn cứ theo khoản 24 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014, cấp dưỡng được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu. Theo đó, căn cứ tại khoản 2 Điều 82 Luật HN&GĐ 2014 quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Như vậy, có thể xác định nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn thuộc về người không trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng này sẽ kéo dài đến khi người con đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.