Con nuôi của lính Biên phòng trên dọc đường biên Tổ quốc

Thông qua mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng', nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sớm thiếu bàn tay chăm sóc của cha, mẹ đã được những người lính Biên phòng đứng ra nhận nuôi dưỡng. Nhờ tình thương và trách nhiệm lớn lao của người lính quân hàm xanh mà cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn ấy có cơ hội bước sang trang mới với bao hi vọng, cơ hội thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống.

Cháu Cao Nguyễn Thịnh Phát và ông nội nhận quà Tết của Bộ Tư lệnh BĐBP. Ảnh: Trúc Hà

Thêm một mái nhà

Trước đây, nhà Giàng A Chư ở bản Sì Cha Chải, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nhà có 5 anh em, nên khi bố mẹ mất, Chư về ở với anh trai, chị dâu. Nhà anh trai vốn khó khăn vì phải nuôi 3 con nhỏ, nay lại càng khó khăn vì thêm 1 người tuổi ăn, tuổi lớn. Đã có lúc, Chư đi học để có bữa ăn theo tiêu chuẩn học sinh bán trú, như thế có thể giúp nhà anh chị bớt được khẩu phần.

Ngày đầu tiên về đồn, trở thành con nuôi của đồn Biên phòng, được ăn 3 bữa cơm trắng với thịt, ngủ trong phòng với chăn ấm, đệm êm, Chư cứ ngỡ mình đang mơ. Hôm ấy, các bố, các chú chỉ bảo: “Từ giờ con chỉ phải lo việc học để sau này có được một cuộc sống thật tốt. Nếu không làm tốt được 2 việc ấy thì phụ công tất cả chúng ta”.

Câu chuyện về Hồ Lanh, cậu con nuôi của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình cũng khiến nhiều người xúc động. Bố Lanh thường uống rượu say, đánh chửi mọi người trong nhà, mẹ không chịu được nên đã ly hôn rồi sang Lào sinh sống. Lanh và anh trai về sống với bà ngoại ở bản Ka Định (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Bà ngoại năm nay đã 70 tuổi, không đi làm nương được nên 3 bà cháu bữa đói, bữa no.

Ngày Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo làm lễ nhận Lanh làm con nuôi, có bà ngoại, cậu và mẹ của Lanh cũng từ Lào về. Ai cũng mừng cho Lanh vì từ nay, trong mỗi bước đi của cậu học trò nhỏ đều có sự kèm cặp, chỉ bảo của những người lính Biên phòng. Giờ đây Hồ Lanh đã là học sinh cuối cấp, chuẩn bị vào cấp 2 và có thêm bao dự định mới.

Tuổi thơ của Phạm Quốc Sỹ (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) là những ngày theo mẹ đi bán vé số khắp nơi rồi tối về tá túc trong căn nhà nhỏ cạnh chợ. Đến tuổi đi học, Sỹ 1 buổi đến lớp, 1 buổi theo mẹ đi bán vé số. Thương cậu bé nên khi có chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang đã đặt vấn đề với mẹ của Sỹ sẽ đưa cháu về đơn vị nuôi dưỡng.

Thực tế, việc đưa 1 đứa trẻ vốn có cuộc sống tự do vào nền nếp không hề đơn giản nhưng mọi người ai cũng xác định phải kiên trì với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Sỹ bắt đầu suy nghĩ trước những câu hỏi: “Có thương mẹ không? Nếu muốn sau này giúp được mẹ thì phải làm gì?”. Vậy là từ đấy, cậu con nuôi của Đồn Biên phòng Phú Mỹ vui vẻ dậy sớm, đi học đúng giờ và làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp khiến các cô giáo rất hài lòng.

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cao Nguyễn Thịnh Phát (tổ 42 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) được ông nội đưa đến Đồn Biên phòng Non Nước, BĐBP thành phố Đà Nẵng để nhận quà Tết của Bộ Tư lệnh BĐBP. Nói về cháu của mình, ông nội của Phát chia sẻ: “Thằng bé thiệt thòi từ bé. Bố mất, mẹ nó để lại cho vợ chồng tôi nuôi. Hôm rồi, bà nội đưa Phát đi khám tại Bệnh viện 600 giường thì bác sĩ chẩn đoán bị tự kỷ dạng nhẹ. Đây không phải bệnh nên thuốc chỉ hỗ trợ, đặc biệt cần sự yêu thương, quan tâm của những người thân”.

Đó cũng là một trong những lý do mà Đồn Biên phòng Non Nước đề nghị lên cấp trên để Phát vẫn sống cùng ông bà, đơn vị sẽ phối hợp quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để cháu phát triển.

Lan tỏa yêu thương

Khi được hỏi về việc Đồn Biên phòng Phú Mỹ nhận nuôi con trai của mình, chị Huỳnh Thị Ni không giấu được xúc động, nói: “Những lúc được các chú Biên phòng cho về thăm, thấy con lớn, nói năng lễ phép, tôi mừng lắm. Có người hỏi, tại sao lại gửi con cho các chú Biên phòng nuôi dưỡng, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, vì thực tình chẳng người mẹ nào muốn xa con. Thương con, nhưng nếu cứ để cháu theo tôi đi bán vé số thì không ổn, ở với các chú Biên phòng tôi sẽ yên tâm hơn”. Và, trước việc làm ý nghĩa của những người lính Biên phòng, nhiều mạnh thường quân đã cùng chung tay để lan tỏa thêm những câu chuyện đầy nhân văn về mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Đại úy Võ Minh Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Non Nước cho biết: Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” của đơn vị không chỉ có sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà còn có sự chung tay của các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Điển hình có cô Trần Thị Tuyết Hồng, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy không giàu có nhưng vẫn liên hệ để được cùng đơn vị nuôi các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng, việc làm của cô Hồng khiến chúng tôi rất trân trọng, từ đó luôn nhắc nhở đơn vị phải làm tốt hơn nữa mô hình này.

Bữa cơm của các con với bố nuôi Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Trúc Hà

Đã 2 năm kể từ ngày Giàng A Chư về ở tại Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ. Những người lính Biên phòng đã quen với sự có mặt của một đứa trẻ và được coi như một thành viên của đơn vị. Từ chỗ thương cảm cho hoàn cảnh đứa trẻ thiệt thòi đến yêu thương, tình cảm của người lính dành cho Chư cứ thế được bồi đắp, lớn dần theo từng ngày.

Nghe Trung tá Hà Đức Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ chia sẻ, càng thấy trách nhiệm của các anh: “Các cháu do đơn vị nhận nuôi có hoàn cảnh quá đặc biệt khi mất cả cha lẫn mẹ. Chúng tôi nhận nuôi, chăm sóc trước tiên để các cháu được ăn no, mặc ấm và được đến trường. Trong quá trình nuôi dưỡng, chúng tôi sẽ dạy dỗ, uốn nắn để các cháu có ý thức, thêm ý chí, nghị lực phấn đấu vượt qua hoàn cảnh”.

Cứ thế, từ mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), từ trên rừng hay dưới biển, những đứa trẻ kém may mắn đã được các Đồn Biên phòng nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và bồi đắp cho các em những ước mơ, thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn và trở thành người có ích cho xã hội.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-nuoi-cua-linh-bien-phong-tren-doc-duong-bien-to-quoc-post438120.html