Có 'vòng kim cô' cho lái xe uống rượu bia?

.Vụ việc chiếc Hyundai gây tai nạn liên hoàn, tông chết nữ lao công (Đường Láng) và vụ xe Mercedes khiến 2 người phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên (Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng sử dụng rượu bia trước khi lái xe hiện nay.

Cứ sau một vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn, dư luận lại dậy sóng, lên án, yêu cầu xử nghiêm tài xế. Nhưng rồi mọi chuyện lại chìm lắng và tình trạng cầm lái sau khi uống vài ly vẫn diễn ra. Có người nói “Uống rượu bia và lái xe, người tốt trở thành kẻ giết người”. Đúng vậy, nhìn lại rõ ràng văn hóa sử dụng rượu bia ở nước ta đang có vấn đề.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong ba tháng đầu năm có 65-70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông có vi phạm nồng độ cồn. Ở nhiều nước, chỉ cần lái xe bị phát hiện có mùi rượu và thử máu hoặc nước tiểu có vi phạm là phạt tiền, rút bằng lái, thậm chí ngồi tù. Để tuyên chiến với thực trạng này, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon đã yêu cầu khởi tố những người say rượu lái xe gây tai nạn chết người trong dịp tết Songkran tội “cố ý giết người”.

Vậy còn ở Việt Nam thì sao? Thống kê mới nhất, mỗi năm có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến say xỉn. Điều đáng nói, ở nước ta bia rượu được thoải mái mua bán và người uống đang ngày càng trẻ hóa.

Trong chúng ta hẳn không hiếm gặp chuyện bạn mình ngà ngà say vẫn tự tin cầm vô lăng trên đường; là những lời ép uống quen thuộc: “Nam vô tửu như cờ vô phong”. Khi chúng ta thờ ơ, không nhắc nhở nghĩa là thỏa hiệp với cái xấu, với tội ác. Sự tự tin của tài xế có hơi men nào đó rất có thể sẽ lao vào dải phân cách trên đường, lao vào nhà dân, tông vào làn xe khi đứng chờ đèn đỏ và rất có thể cướp đi tính mạng của người khác, phá hoại mái ấm của bao đứa trẻ.

Dường như văn hóa rượu bia và ép uống trên bàn nhậu đã trở thành một vấn nạn của xã hội, mà hệ lụy trực tiếp là những vụ tai nạn để lại hậu quả khôn lường. Thiết nghĩ, để giảm thiểu những vụ việc đáng tiếc xảy ra do bia rượu cần sự chung tay của cả xã hội, trong đó có cả vai trò của doanh nghiệp rượu bia.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên tiếng, coi lái xe say rượu như một hành động giết người, phá hủy cuộc sống của người khác. Mức xử phạt đối với tài xế say rượu có thể bị tù giam. Còn ở Việt Nam, việc xử lý dường như chỉ dừng lại ở việc “thổi - bắt”, mức xử lý chưa nghiêm, việc xử lý không quyết liệt, chế tài chưa đủ sức răn đe khiến người dân “nhờn thuốc”.

Nhìn lại, những vụ việc đau lòng vừa qua như một bài học “tày liếp” để mỗi người tự thay đổi chính mình. Đó là bài học về việc bảo vệ mình, về kỹ năng làm chủ cảm xúc, chủ động kiểm soát hành vi và biết nói không với cầm lái khi đã uống rượu bia. Chỉ một phút vui vẻ quá chén, những “anh xế, chị xế” có thể gây ra cái chết cho những người vô tội. Nhưng phải nói thêm rằng, các cơ sở đào tạo lái xe cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc giảng dạy về đạo đức lái xe và rèn luyện thành thạo các kỹ năng lái xe an toàn.

Sau những vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, trên mạng xã hội lan truyền phong trào thay đổi ảnh đại diện với slogan: “Không ép thêm bạn một ly, không để bạn ép một ly”, “Say xỉn lái xe là tội ác”; “Đã uống rượu bia thì không lái xe”… như một động thái tích cực tuyên chiến với tình trạng cầm lái khi đã ngà ngà say.

Nhưng đó chỉ là phần ngọn, để giải quyết phần gốc của vấn đề cần những chế tài thật nặng, như một chiếc “vòng kim cô” để điều chỉnh hành vi. Luật pháp là biểu hiện của nền văn minh loài người. Khi không có sự thỏa hiệp, khi việc vi phạm được xử lý nghiêm mới tạo ra lòng tin của xã hội vào công lý và sự nghiêm minh của pháp luật.

Nguyệt Hương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-vong-kim-co-cho-lai-xe-uong-ruou-bia-93915.html