Có một làn sóng khủng bố thứ năm?

Trong bối cảnh cuộc đảo chính của phe cực hữu vừa thất bại ở Đức tháng 12/2022, được thúc đẩy bởi những ảo tưởng rời rạc về mặt ý thức hệ và lịch sử, một xu hướng toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ nét hơn. Quỹ đạo mới này cho thấy sự pha trộn nguy hiểm của các hệ tư tưởng cực đoan và biểu hiện của nó là chủ nghĩa khủng bố chống chính phủ.

Khi những thông tin về âm mưu nổi loạn của những kẻ cực hữu liên quan đến vụ tấn công Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021 được tiết lộ tại phòng xử án, Christopher P. Costa - cựu sĩ quan tình báo chuyên nghiệp, từng là trợ lý đặc biệt cho tổng thống và Giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2017 đến 2018, hiện là phó giáo sư của Chương trình Nghiên cứu an ninh của Đại học Georgetown - vẫn không chắc chắn rằng làn sóng khủng bố thứ năm chống lại chính phủ đã đến, cho đến khi một âm mưu đảo chính diễn ra ở Đức.

Cảnh sát Đức áp giải nghi phạm khi truy quét các thành viên của nhóm cực hữu Reichsbürger ở Karlsruhe hôm 7/12/2022. Nguồn: Reuters

Ông Costa tin rằng, các chiến binh thánh chiến toàn cầu sẽ vẫn là mối đe dọa khủng bố dai dẳng nhất. Rốt cuộc, Mỹ cùng các lực lượng đối tác ở Iraq và Syria được cho là đã sát hại 700 người bị nghi ngờ là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong năm 2022, chỉ 5 năm sau khi tổ chức này bị đánh bại. Các chiến binh thánh chiến khác đã di chuyển khắp châu Phi, từ Somalia ở mũi phía Đông của lục địa đến Tây Phi, với ý định khai thác những vùng không gian rộng lớn không được kiểm soát để sử dụng làm nơi trú ẩn. Điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Đông và Nam Á.

Nhưng, giờ đây, ông tin chắc rằng làn sóng khủng bố thứ năm chống lại chính phủ đang diễn ra.

Theo David C. Rapoport - giáo sư khoa học chính trị của Đại học California, đã có 4 làn sóng từng diễn ra trong lịch sử. Lý thuyết về các làn sóng này đã so sánh các xu hướng của chủ nghĩa khủng bố qua các thế hệ với các làn sóng có cùng hệ tư tưởng và chiến thuật trong lịch sử. Điều quan trọng là các nhóm cánh hữu đã hiện diện và cùng tồn tại trong mọi thời đại mà các làn sóng diễn ra. Hiện tại, có vẻ như kịch bản khủng bố đã bị lật tẩy với “các đường ý thức hệ mờ nhạt”. Vì vậy, mặc dù ông Costa nghĩ rằng những kẻ khủng bố chống chính phủ là những kẻ kế thừa làn sóng thứ tư (làn sóng tôn giáo), nhưng các chiến binh thánh chiến sẽ vẫn như một con sóng dội bền bỉ cùng tồn tại - và rất có thể cùng nhau hợp tác - với các nhóm trong làn sóng khủng bố thứ năm chống lại chính phủ. Điều đó thực sự nguy hiểm.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray lưu ý rằng “sự trong sáng của hệ tư tưởng cấp tiến” đã không còn nữa. Quan sát đó dường như chứng minh cho ý kiến cho rằng những bất bình và niềm tin lai tạp đang ngày càng gia tăng đằng sau các cuộc tấn công khủng bố.

Lấy trường hợp binh nhì Ethan Melzer của quân đội Mỹ, người bắt đầu lên kế hoạch tấn công vào đơn vị quân đội của chính mình bằng cách lên mạng cùng lập âm mưu với những kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít, nghiên cứu các chiến binh thánh chiến và điều chỉnh các kiểu tấn công của chúng. Tất cả điều này “kết tinh” khi Melzer bắt tay với tổ chức tân phát xít 09A (Order of 9 Angles) - một nhóm người theo chủ nghĩa Satan và những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng. Trường hợp này là một nguyên mẫu mới đáng lo ngại về các hệ tư tưởng lai tạp.

Có vẻ như Cộng hòa Liên bang Đức tình cờ trở thành “đầu sò” của một kỷ nguyên khủng bố chống chính phủ đang nổi lên. Làn sóng này nổi lên ở Đức là một tai nạn trớ trêu của lịch sử, khi khoảng 900 triệu người đã xem truyền hình trực tiếp hành động khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc diễn ra trong Thế vận hội Munich 1972.

Tháng 9 năm ngoái, tròn 50 năm sau vụ thảm sát Munich, nước Đức dường như đã xua đuổi được bóng đen của giai đoạn khủng bố đầy rắc rối đó. Nhưng, chỉ vài tháng sau, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã phải công khai nói về âm mưu đảo chính thất bại của những kẻ cực hữu ở Đức và cuộc tấn công chống nhằm vào nền pháp quyền của Đức.

Ngay cả khi phải đối mặt với mối đe dọa hiện tại từ chủ nghĩa khủng bố cực hữu, Bộ trưởng Faeser nhắc nhở người Đức rằng họ vẫn ở trong “tầm ngắm” của những kẻ khủng bố Hồi giáo. Bà đang ám chỉ một thủ phạm đơn độc bị bắt ở Đức vì lên kế hoạch sử dụng ricin và xyanua để thực hiện một cuộc tấn công hóa học có động cơ Hồi giáo. Âm mưu bị phá vỡ này diễn ra ngay sau khi một người Mỹ có động cơ Hồi giáo cực đoan bị buộc tội tấn công 3 sĩ quan cảnh sát bằng dao gần quảng trường Thời đại vào đêm giao thừa. Khủng bố có động cơ Hồi giáo là vấn nạn bạo lực dai dẳng tồn tại song song với làn sóng bạo lực chính trị chống chính phủ mới hình thành.

Trên thực tế, Đức đã có chuẩn bị trước để đối phó với các mối đe dọa khủng bố ở trong nước. Cơ quan an ninh của Đức đã theo dõi phần tử cực đoan như phong trào Reichsbürger và các nhóm khác vốn luôn từ chối chấp nhận tính hợp pháp của nhà nước Đức hiện đại. Mặc dù cách Đức đối phó với chủ nghĩa khủng bố chống chính phủ đáng để học hỏi, nhưng chính quyền Mỹ sẽ tiếp cận những mối đe dọa này theo cách khác, bởi Mỹ bị ràng buộc bởi hiến pháp của chính họ.

Điều quan trọng hiện nay là các lãnh đạo quốc gia phải định hình đúng các mối đe dọa khủng bố ở trong nước. Mục tiêu hàng đầu của các chính phủ phải là bảo vệ công dân của mình và không ngừng tập trung vào pháp quyền. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa khủng bố chống chính phủ là làn sóng khủng bố thứ năm, nước Mỹ và phần còn lại của thế giới nên chuẩn bị sẵn sàng bởi vì các làn sóng khủng bố thường kéo dài nhiều thế hệ.

Khánh An (Theo The Hill)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/co-mot-lan-song-khung-bo-thu-nam--i681970/