Cơ hội cuối

Cảnh báo về sự 'chậm chân' trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh: Thế giới đang trong cuộc đua vì tương lai, một cuộc đua mà chúng ta buộc phải chiến thắng. Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP24), khai mạc hôm nay tại Ba Lan, là cơ hội để các quốc gia biến cam kết thành những hành động cụ thể vì 'hành tinh xanh'.

Đông đảo đại biểu là các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao, nhà khoa học và giới chuyên gia từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng đại diện các cơ quan của LHQ và các tổ chức quốc tế sẽ có các cuộc thảo luận sâu rộng và được dự báo là gay gắt, trong hai tuần tới tại thành phố Katowice của Ba Lan. Hơn một năm sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Hội nghị COP24 được kỳ vọng có thể “hồi sinh” văn kiện được ủng hộ rộng rãi và có ý nghĩa sống còn với tương lai của nhân loại.

Kỳ thảo luận của LHQ về khí hậu toàn cầu năm nay diễn ra trong bối cảnh không thuận, khi hàng loạt số liệu và “cảnh báo đỏ” được LHQ và các tổ chức môi trường liên tiếp đưa ra, cho thấy thế giới đang “chậm chân” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gian nan nhưng vô cùng cấp bách. Mới nhất, trong báo cáo công bố trước thềm COP24, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, năm 2018 tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ cao, sau ba năm liên tiếp trước đó đều là “năm nóng nhất trong lịch sử”. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng vừa qua đã cao hơn gần 1 độ C so mức thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thủ phạm chính gây tình trạng ấm lên toàn cầu, cũng đang ở mức cao kỷ lục. Báo cáo hằng năm của Chương trình môi trường LHQ (UNEP) chỉ rõ, sau ba năm giảm liên tiếp, lượng “khí nhà kính” thải ra môi trường năm 2017 lại tăng lên mốc kỷ lục mới là 53,5 tỷ tấn. Nếu duy trì đà tăng này, đến năm 2030, lượng khí thải làm trái đất ấm lên có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, vốn là “ranh giới đỏ” với hành tinh. Trong khi đó, LHQ ước tính, các chính sách hiện tại trên thế giới chỉ có thể giúp giảm khoảng sáu tỷ tấn khí nhà kính phát thải trước năm 2030. Ðể mục tiêu của Thỏa thuận Paris không vượt quá tầm với, các quốc gia phải nỗ lực gấp ba và năm lần mới có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lần lượt ở các ngưỡng 2 độ C và 1,5 độ C. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) cũng khuyến cáo, thế giới cần có những bước đi nhanh chóng và chưa có tiền lệ.

Những dữ liệu mà giới khoa học quốc tế nêu trong báo cáo được đăng trên tạp chí The Lancet mới nhất một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về tác động của biến đổi khí hậu tới mọi mặt cuộc sống con người, trở thành mối đe dọa lớn với nhân loại. Thời điểm hiện tại, khi nhiệt độ trái đất mới chỉ tăng 1 độ C, những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường đã trở nên thường xuyên hơn; những đợt nắng nóng đỉnh điểm, bão lũ với sức tàn phá khủng khiếp, hay hạn hán, cháy rừng, ô nhiễm khói bụi, dịch bệnh... đẩy nhiều quốc gia, khu vực vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, việc cộng đồng quốc tế chần chừ hành động đồng nghĩa thảm họa thiên tai ngày càng nhiều hơn, hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, ô nhiễm không khí trầm trọng hơn và nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại tới 21 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Thực trạng nguy hiểm nêu trên càng gia tăng sức ép lên Hội nghị COP24, khi đây là cơ hội cuối cùng với LHQ và các quốc gia đáp ứng hạn chót năm 2018 để cho ra đời một chương trình nghị sự cụ thể nhằm thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris. Hai nhiệm vụ chính của COP24 là nhất trí về “sách quy tắc”, với lộ trình chi tiết hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải khí nhà kính; đưa ra cam kết chính trị và kế hoạch hành động rõ ràng cho mục tiêu chung vào năm 2020, thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, để có được chương trình nghị sự như vậy không dễ dàng, đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác thực chất giữa các quốc gia, nhất là khi còn nhiều bất đồng liên quan giai đoạn chuyển tiếp từ “cắt giảm tự nguyện” sang “cắt giảm bắt buộc” đối với các nước đang phát triển, cũng như yêu cầu cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn và tăng cường hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ đối với các nước phát triển.

Tuy vậy, cuộc đua khắc nghiệt với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay không chấp nhận bước lùi và buộc thế giới phải chiến thắng. Ðó là thông điệp cộng đồng quốc tế gửi tới cuộc thảo luận khó khăn do LHQ chủ trì lần này tại Ba Lan.

Vũ Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38445202-co-hoi-cuoi.html