Cô giáo có nhiều sáng kiến

Ai gặp cô lần đầu đều rất ấn tượng bởi khuôn mặt xinh xắn và đôi mắt to chứa đầy cảm xúc. Đó là cô giáo Đỗ Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội)-một người tâm huyết với nghề và hết lòng yêu thương học trò. Tình yêu đó còn thể hiện ở việc cô ngày đêm miệt mài nghiên cứu các phương pháp dạy học để giúp học trò tiếp thu bài tốt hơn, khoa học hơn.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cô Đỗ Thu Hằng được phân công giảng dạy tại Trường THCS Hoàn Kiếm và được nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm lớp 6, lứa học sinh mới bắt đầu làm quen với cách học của bậc THCS vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Cũng như các giáo viên chủ nhiệm lớp 6 khác, cô Hằng đã phải gánh trách nhiệm nặng nề để uốn nắn các em. Để giúp học sinh tiếp thu bài tốt, cô ngày đêm vừa dạy, vừa nghiên cứu các phương pháp dạy học mới.

Giáo dục công dân (GDCD) là môn học có tác động lớn đến nhận thức của các em nhưng lại khá khô khan nên nhiều em không thích học. Sau nhiều ngày trăn trở và miệt mài nghiên cứu, cô đã đưa ra sáng kiến “Đổi mới phương pháp dạy học môn GDCD bằng cách sử dụng đồ dùng dạy học trực quan”. Cô Hằng cho biết: “Do những đồ dùng trực quan sử dụng trong các tiết dạy ít có sẵn nên việc chuẩn bị đồ dùng cho một tiết khá công phu, đòi hỏi giáo viên phải có sự đầu tư về mặt thời gian, công sức, trí tuệ và lòng nhiệt tình. Cùng với việc tự chuẩn bị đồ dùng hỗ trợ giảng dạy, tôi vận động học sinh cùng tham gia các công đoạn như vẽ tranh, sưu tầm tranh ảnh, tìm số liệu… Bằng những đoạn phim tư liệu ngắn hoặc các tình huống, tôi đã cho ra phương pháp dạy học trực quan tối ưu, khi áp dụng vào dạy học sinh, các em đã tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ kỹ hơn và hào hứng hơn”.

Cô giáo Đỗ Thu Hằng (ngoài cùng, bên phải) luôn nhận được tình cảm yêu mến của học trò.

Không riêng môn GDCD, cô tiếp tục nghiên cứu đề tài: “Một số phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo cho học sinh lớp 9 trong các tiết ôn tập Ngữ văn”. Từ thực tế những năm gần đây, một số học sinh của cô học Ngữ văn chưa tốt, số học sinh ham thích học môn này mỗi ngày một ít hơn. Nhận thấy trong các bài ôn tập, tổng kết Ngữ văn lớp 9, việc hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, tích cực, chủ động là cách tốt nhất để chuyển giao quyền chủ động lĩnh hội kiến thức đến học sinh, cô Hằng đã xây dựng sáng kiến dựa trên tinh thần: Giáo viên thực sự trao quyền cho học sinh học tập một cách chủ động nhất; học sinh được giáo viên hướng dẫn và chủ động lĩnh hội kiến thức; học sinh và giáo viên cùng hợp tác-thông tin được chia sẻ; bài học được khắc sâu, người học làm trung tâm.

Với những nỗ lực, lòng yêu nghề và sự cống hiến hết mình trong công việc, cô giáo Đỗ Thu Hằng nhiều năm liền đoạt giải tại các hội thi giáo viên dạy giỏi và nhận nhiều bằng khen, giấy khen sáng kiến sáng tạo trong phương pháp dạy học cấp quận, cấp thành phố. Sáng kiến “Đổi mới phương pháp dạy học môn GDCD bằng cách sử dụng đồ dùng dạy học trực quan” của cô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội công nhận sáng kiến loại B và sáng kiến kinh nghiệm loại C cho đề tài “Một số phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo cho học sinh lớp 9 trong các tiết ôn tập Ngữ văn”.

Trong cuộc trò chuyện, cô Đỗ Thu Hằng tâm sự: “Phần thưởng lớn nhất không phải là những tấm bằng khen, giấy khen thành tích mà là sự yêu mến của học trò, đồng nghiệp dành cho tôi”.

Bài và ảnh: UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/co-giao-co-nhieu-sang-kien-612025