Cơ chế, chính sách khuyến khích làm động lực xây dựng nông thôn mới

Ngoài phát huy sức mạnh nội tại của mỗi địa phương, chính sách và các cơ chế khuyến khích của Trung ương, tỉnh và các huyện có vai trò quan trọng để cấp cơ sở thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM). Việc kịp thời triển khai các chính sách và cơ chế hỗ trợ đã trở thành động lực để các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình.

Chính sách hỗ trợ phát triển nhà lưới và nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh và huyện Nga Sơn đã khích lệ nông dân xã Nga Thạch phát triển nhiều mô hình sản xuất hiện đại.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025 tiếp tục xác định “Phát triển nông nghiệp và XDNTM” là một trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ cho các địa phương thực hiện XDNTM.

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND để “thưởng” các xã đạt chuẩn và hỗ trợ đầu tư một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Giữa năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời quyết nghị thông qua phương án phân bổ vốn trung hạn và hàng năm, để hỗ trợ cho các ban, sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG XDNTM. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa sẽ được Trung ương giao vốn đầu tư phát triển 1.920,5 tỷ đồng (năm 2021 và năm 2022 đã giao 564,66 tỷ đồng); vốn sự nghiệp năm 2021 và năm 2022 là 232,209 tỷ đồng. HĐND tỉnh cũng nhanh chóng ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình MTQG; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Hơn 2 năm qua, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 297,5 tỷ đồng để thưởng cho 10 huyện, 120 xã đạt chuẩn NTM; 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 531 thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu để các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cũng khoảng thời gian trên, tỉnh đã hỗ trợ xi măng cho 23 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 19 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM; hỗ trợ 7,780 tỷ đồng cho các chủ thể phát triển 80 sản phẩm OCOP, trong đó 71 sản phẩm 3 sao; 9 sản phẩm 4 sao.

Cùng với các chính sách của tỉnh, các huyện cũng rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, cơ chế hỗ trợ hướng vào phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới), chuyển đổi cơ cấu cây, con có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa... Nguồn lực hỗ trợ từ các cấp thực sự đã tạo động lực cho các xã, thôn hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng đến việc hoàn thành mục tiêu NTM đã đề ra.

Từ các nguồn vốn được hỗ trợ và lồng ghép, gần nửa nhiệm kỳ qua, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.800km đường giao thông nông thôn, hơn 930km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi. Gần 2.700 phòng học các cấp, gần 1.300km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế xã, 38 công trình công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 công trình bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng nhờ các nguồn vốn hỗ trợ và huy động.

Sự hỗ trợ của các cấp như là chất xúc tác để Nhân dân phát huy nội lực, đóng góp công sức và nguồn lực thực hiện nhiều tiêu chí. Từ năm 2021 đến nay, người dân các địa phương trong tỉnh đã trồng hơn 1.350km đường hoa, 1.193km đường cây xanh, 3.609km đường điện sáng, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì và ngày càng phát huy nhân rộng. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh duy trì kết quả khả quan. Đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt 89,02%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom xử lý đạt 100%.

Trong 2 năm 2021-2022 và quý I năm 2023, toàn tỉnh có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí NTM/xã (tăng 0,23 tiêu chí so với năm 2020).

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/co-che-chinh-sach-khuyen-khich-lam-dong-luc-xay-dung-nong-thon-moi/181520.htm