Clip Thủ tướng chỉ đạo: 'Chống dịch tả lợn như chống giặc'

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sáng 4.3 triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện có nguy cơ lây lan nhanh tại nước ta. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải trả lời được câu hỏi vì sao dịch lại lan rộng dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành phải cùng sắn tay chống dịch như chống giặc bởi vì đặc điểm nuôi ở Việt Nam rất khác so với các nước. Việt Nam nuôi nhỏ lẻ nhiều, nên khó ngăn chặn nếu không có giải pháp đồng bộ, cá biệt. Phải kịp thời dập dịch bởi dịch bệnh này lây lan nhanh sẽ ảnh hưởng đến đời sống, môi trường an sinh xã hội nếu không có cách làm đúng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg 2019, ngày 20.2 để ngăn dịch và yêu cầu hệ thống chính trị, các cấp ngành, người dân nghiêm túc thực hiện chỉ thị 04 để khống chế dịch có hiệu quả. “Chủ tịch sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Thủ tướng về kết quả chống dịch tại địa phương mình quản lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với các tỉnh chưa có dịch càng có biện pháp mạnh mẽ hơn, các Bộ, ngành theo chức năng của mình phải “xắn tay áo vào cuộc”, có biện pháp hướng dẫn hành động kịp thời. Chẳng hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông phải tuyên truyền đúng cách để nhân dân không quá lo lắng với dịch bệnh, không quay lưng với tiêu thụ lợn. Vì hủy nuôi ảnh hưởng lớn đến một bộ phận nhân dân. Hay Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo không vận chuyển lợn đường dài. Nếu địa phương không thực hiện nghiêm phải có cách kiểm tra xử lý địa phương đó.

Điều mà Thủ tướng trăn trở nhất tại hội nghị này là các bộ ngành chức năng phải rà soát lại và trả lời câu hỏi vì sao dịch bùng phát, có nguy cơ lan rộng dù chúng ta chủ động. Vậy nguyên nhân thực sự ở đâu? Do vận chuyển tiêu thụ hay tiêu hủy? Có hiện tượng dân che dấu dịch không, giải pháp thế nào? Vì sao có hiện tượng thương lái gia tăng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam? Liệu quy định mức hỗ trợ phù hợp chưa, nếu chưa đưa giải pháp thế nào? Thủ tướng đồng ý với giải pháp của ngành nông nghiệp đưa ra đó là, thanh toán cho người dân 80% với lợn dịch so với giá thị trường.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 01.2 - 03.3.2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên: Từ ngày 01.02 - 03.3.2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 57 hộ, 12 thôn, 8 xã, 5 huyện. Toàn bộ 2.323 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại tỉnh Thái Bình: Từ ngày 13.02 - 03.3.2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 101 hộ, 33 thôn của 15 xã, 3 huyện. Toàn bộ 1.118 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại thành phố Hải Phòng: Từ ngày 18.02 - 03.3.2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 38 hộ, 15 thôn, 6 xã, 2 huyện. Toàn bộ 424 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại tỉnh Thanh Hóa: Từ ngày 22.02 - 03.3.2019, bệnh DTLCP xảy ra ở 01 hộ chăn nuôi tại xã Định Long, huyện Yên Định. Toàn bộ 226 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại thành phố Hà Nội: Từ ngày 22.02 – 02.3.2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, Phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại tỉnh Hà Nam: Từ ngày 27.02 - 02.3.2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn tại xã Văn Xá, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Tại tỉnh Hải Dương: Từ ngày 01.3 - 02.3.2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 03 hộ chăn nuôi lợn tại xã Hiến Thành, huyện Kim Môn. Toàn bộ 107 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

Nguyễn Chương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-chong-dich-ta-lon-nhu-chong-giac-960307.html