'Click' để chạm vào kho tàng tri thức
Từ những cuốn sách in, giờ đây, tri thức đang được lan tỏa theo nhiều phương cách - đa dạng và linh hoạt hơn bao giờ hết, từ đó, định hình lại thói quen đọc và tiếp cận thông tin của công chúng. Đây không chỉ là một sự chuyển mình về hình thức mà còn là một cuộc tái định nghĩa về vai trò và giá trị của xuất bản trong kỷ nguyên số.

Xuất bản đang đứng trước cơ hội phát triển đa định dạng, gia tăng giá trị nội dung. Ảnh: ITN
Đa định dạng, gia tăng giá trị nội dung
Hành trình của xuất bản trong kỷ nguyên số được đánh dấu rõ nét bởi sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các định dạng nội dung mới, đặc biệt là sách nói (audiobook) và sách điện tử (ebook).
Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025 diễn ra tuần qua, ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Fonos, một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sách nói tại Việt Nam đã chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu làm quen với khái niệm mới là nghe sách thay vì đọc sách. Audiobook đã phá vỡ những rào cản về không gian và thời gian, mang đến trải nghiệm đọc hoàn toàn mới. Khi lái xe đường dài, nấu ăn, rửa bát…, ta vẫn được thưởng thức cuốn sách mình yêu thích”.
Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn. Sách nói không chỉ đáp ứng nhu cầu tiếp cận nội dung mọi lúc, mọi nơi mà còn tạo ra cơ hội đưa tri thức đến cho những người vốn ít có điều kiện hoặc không có thói quen đọc sách in.
Fonos đã chứng minh hiệu quả của mô hình này với hơn 3,2 triệu lượt tải ứng dụng và vượt mốc 30 triệu lượt nghe. Thành công này cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiếp nhận tri thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. “Người trẻ không đọc sách ít hơn mà họ đọc khác đi”, ông Vinh khẳng định, đồng thời cho biết, Fonos không cố gắng thay đổi những người đã có thói quen đọc sách giấy, mà lôi cuốn người trẻ ít đọc sách giấy đến với sách nói. Trên thực tế, hai loại hình này cũng có bổ trợ cho nhau trong việc thu hút độc giả.
Không chỉ sách nói, ebook cũng ngày càng được nhiều bạn đọc lựa chọn. Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Aki cho rằng: Người dùng ngày nay muốn tiếp cận nội dung đa định dạng, mọi lúc mọi nơi. Theo thống kê toàn cầu năm 2024, thị trường xuất bản ước đạt 151 tỉ USD, trong đó ebook và audiobook chiếm khoảng 30% thị phần, với sự bùng nổ đáng kể ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, trong 3 năm gần đây, ước tính có 100.000 máy đọc sách được bán ra, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với sách số, đặc biệt là trong giới trẻ thị thành, những người đọc chuyên sâu.
Sự phát triển của xuất bản số không chỉ là việc chuyển đổi định dạng mà còn là việc mở rộng đối tượng độc giả và gia tăng giá trị nội dung gốc thông qua các phiên bản khác nhau. Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books đã đưa ra góc nhìn sâu sắc về sự thay đổi trong tư duy xuất bản: “Trước đây, một cuốn sách là một sản phẩm duy nhất. Hiện nay một nội dung có thể là 6-10 sản phẩm dẫn xuất”.
Từ một cuốn sách gốc, các NXB có thể tạo ra vô số sản phẩm phái sinh như ebook, audiobook, review sách, flashcard, video microlearning và thậm chí là các khóa học chuyên sâu. Điều này biến cuốn sách không chỉ là một sản phẩm đơn lẻ mà trở thành một “dòng sản phẩm”.
Alpha Books đã minh chứng cho tư duy này thông qua việc ứng dụng thành công mô hình vòng đời nội dung cho cuốn sách Chiến lược Đại dương xanh. Từ 600 trang sách với nhiều thuật ngữ phức tạp, Alpha Books đã tái sinh nội dung này thành flashcard, bizsum, ebook, video microlearning và khóa học lãnh đạo thực chiến. Các nội dung này không chỉ trích dẫn từ sách mà còn được bổ sung kiến thức phù hợp với bối cảnh Việt Nam, gia tăng giá trị cho độc giả.
Xây dựng hệ tri thức, hệ sinh thái sáng tạo
Trong kỷ nguyên số, vai trò của NXB không chỉ dừng lại ở việc in ấn và phát hành sách. Để nâng tầm ngành xuất bản và kiến tạo một nền tảng tri thức vững chắc cho quốc gia, ông Nguyễn Cảnh Bình đề xuất xây dựng một “trục cao tốc” kết nối các nguồn tri thức, giúp giảm chi phí và kết nối các vùng miền. Theo đó, hệ thống này sẽ kết nối các thư viện, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị xuất bản, cá nhân, tổ chức..., giúp tri thức được lưu thông nhanh chóng, dễ dàng, giảm chi phí và tăng cường kết nối, từ đó thúc đẩy sáng tạo.
Ông Bình cho rằng, điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị như Hội Truyền thông số Việt Nam và Hội Xuất bản Việt Nam để cùng xây dựng đề án chung về hệ tri thức số quốc gia. Một không gian mở có sự kết nối và tương tác chặt chẽ sẽ khuyến khích sự đóng góp của các tác giả, nhà khoa học và đơn vị xuất bản.
Cùng ý kiến, để kiến tạo một hệ tri thức quốc gia vững mạnh, việc số hóa và phổ biến tri thức ra toàn xã hội thông qua môi trường số là vô cùng quan trọng. TS.Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đề xuất khởi động lại việc xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa, nhằm mục tiêu phổ biến tri thức rộng khắp.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của ngành xuất bản: Khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị, gắn với đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, thì làm sách là quan trọng.
Bởi ngành xuất bản đóng góp xây dựng hệ tri thức của người Việt. Bên cạnh đó, trong công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung cũng rất quan trọng. Trong công nghiệp nội dung thì ngành xuất bản phải trở thành trung tâm, vì nó sẽ tạo ra sản phẩm cho các ngành nội dung khác.
Từ góc độ nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động xuất bản trong nhiều năm, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhìn nhận về cơ hội phát triển vượt trội của ngành: “Ngày nay, chúng ta chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tinh thần. Nếu trước đây, một năm mỗi người chỉ xem vài ba bộ phim đã là đủ, thì giờ đây, mỗi ngày có thể xem vài ba phim, và sách cũng không ngoại lệ. Sắp tới, nhu cầu nạp tri thức ngày càng đa dạng, phong phú, nên câu chuyện làm sách cũng rất khác”.
Phát triển xuất bản Việt Nam trong kỷ nguyên số đang đứng trước đòi hỏi đổi mới tư duy, cách tiếp cận và khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ. Bằng cách lấy độc giả làm trung tâm, xây dựng các sản phẩm đa định dạng và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, ngành sẽ thực sự phát huy vai trò là trung tâm của công nghiệp nội dung, góp phần kiến tạo một “dòng thác tri thức dồi dào”, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/xuat-ban/click-de-cham-vao-kho-tang-tri-thuc-149089.html