Chuyện về 'Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ'

Ngày 18-12-2023, tác phẩm “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” của nhà văn nữ Nhật Bản Tetsuko Kuroyanagi đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là cuốn tự truyện do một tác giả chấp bút được xuất bản nhiều nhất với số lượng 25,1 triệu bản và được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ trên khắp các châu lục. Ở Việt Nam, vào năm 2011, tác phẩm này lần đầu tiên được xuất bản với bản dịch từ tiếng Nhật của dịch giả Trương Thùy Lan và sau đó được nhiều nhà xuất bản tái bản, phát hành rộng rãi.

Điều gì đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn đọc từ “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”? Đó là những câu chuyện chân thực và hết sức gần gũi kể về Totto-chan, một cô bé hiếu động đến kỳ lạ, hay nói cách khác, đó là một học sinh cá biệt. Khi mới 6 tuổi, vào học lớp 1, cô bé đã không tuân thủ bất cứ quy định nào của trường, của lớp. Em liên tục gây ra rắc rối khiến cả lớp hỗn loạn. Trong khi bạn bè trong lớp yên lặng học bài, chăm chú nghe cô giáo giảng thì em lại đóng mở nắp bàn hàng trăm lần, dù chẳng lấy ra thứ gì và em coi đó là một điều thú vị. Có khi đang học, em lại đứng dậy, tới bên cửa sổ để gọi những người hát rong đang ở bên ngoài, mời họ hát bài gì đó, làm cho cả lớp học đang yên lặng trở nên ồn ào, ùa ra phía cửa. Có khi em nói chuyện với chim chóc, với cây cỏ, hay hát ca… gây phiền phức cho cô giáo và các bạn trong lớp... Cuối cùng, cô giáo đành mời mẹ của Totto-chan tới và đề nghị bà cho em chuyển sang trường khác. Mẹ của Totto-chan đi tìm một ngôi trường khác cho con học, và rồi sau thời gian tìm kiếm, bà đã xin cho em vào học tại trường Tomoe Gakuen do thầy Kobayashi Sosakum làm hiệu trưởng.

Trường Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ và cả trường chỉ có hơn 50 học sinh, nhưng bạn nào cũng có cá tính đặc biệt, thậm chí có cả những em bị khuyết tật. Totto-chan rất vui vì em được đến học ở một ngôi trường đặc biệt như thế. Vượt qua những khác biệt tính cách, các học sinh đều hòa hợp với nhau như anh em. Đặc biệt, thầy hiệu trưởng Kobayashi và các thầy cô luôn tôn trọng học sinh, luôn để các em tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Học sinh ở đây thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập, ngoài ra còn tổ chức nhiều trò chơi, nhiều chương trình ngoại khóa như cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt.

Cũng từ đây, dưới mái trường Tomoe, Totto-chan và bạn bè đã lớn lên cùng những bài học về sự sẻ chia, tình bạn, tình thầy trò, tình yêu cùng ước mơ, hoài bão. Nhiều em trong số ấy đã lớn lên, vào đời, trở thành nhà khoa học, kỹ sư, nhà giáo dục hay nghệ sĩ tài năng…

Theo nhà văn Tetsuko Kuroyanagi, “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” là cuốn tự truyện mà bà đã viết về chính thời thơ ấu của mình. Tuy là tự truyện, nhưng đọc cuốn sách, người đọc sẽ bắt gặp vô số tình tiết hấp dẫn đầy màu sắc về thế giới trẻ thơ. Đặc biệt, với sự am hiểu về tâm lý của các bạn nhỏ tuổi, qua cuốn sách, nhà văn muốn gửi đi thông điệp: Trẻ em cần được phát triển bản thân tự nhiên. Hãy cảm thông và giúp đỡ các em. Phương pháp giáo dục sẽ quyết định con người tương lai của chúng sau này như lời của thầy hiệu trưởng Kobayashi trong cuốn sách đã nói: “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt" ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính”.

NGÔ THỤC PHƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202405/chuyen-ve-totto-chan-co-be-ben-cua-so-18e11e4/