Chuyến thăm quê hương lần cuối của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên

Tôi có may mắn được tháp tùng Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trong chuyến thăm quê lần cuối của ông. Cảm nhận của tôi về ông là một con người tài giỏi trên nhiều lĩnh vực và cũng là người nặng tình với quê hương Quảng Bình.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh, ở đèo Dá Đẻo. Ảnh: Trọng Thái

Chuyến thăm quê lần cuối của ông từ ngày 13 đến 14/10/2013. Thời điểm ông thăm quê khi cơn bão số 10 (đổ bộ vào Quảng Bình đầu tháng 10/2013) mới qua vài ngày. Cơn bão này được xem là cơn bão lịch sử 100 năm mới có một lần, sức tàn phá ghê gớm, hậu quả để lại hết sức nặng nề đối với nhân dân Quảng Bình. Sáng ngày 14/10, ông có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong chuyến thăm này, tôi thấy sức khỏe của ông khá tốt. Ông đi thăm một số nơi. Buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy một mạch hơn 2 giờ đồng hồ không nghỉ. Giọng ông trầm ấm, nói chuyện mạch lạc, chậm rãi, thân tình. Ông chia sẻ những thiệt hại, mất mát to lớn mà cơn bão số 10 gây ra đối với người dân trong tỉnh. Ông đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ổn định kinh tế sau bão...

Ông nói, tỉnh cần nghiên cứu bố trí lại cây trồng hợp lý. Ông nói nhiều về phát triển cây cao su. Ông phân tích, đối với cây cao su, cần bình tĩnh xem xét, không vì bão làm gãy đổ mà dao động trong việc trồng cây cao su trở lại, vì đây là loại cây trồng đã được khẳng định có hiệu quả trên vùng gò đồi Quảng Bình. Ông nói, dù ở Hà Nội nhưng vẫn thường xuyên theo dõi tình hình quê hương. Ông rất mừng, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất cao, rất đáng biểu dương; ông đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục phát huy hơn nữa, tạo sức mạnh mới để phát triển kinh tế, xã hội có hiệu quả.

Kết thúc buổi làm việc, nhưng ông vẫn còn điều gì lưu luyến, bịn rịn, linh cảm như là lần cuối về thăm quê! Ông nhắc đi nhắc lại mấy lần với các đồng chí trong Ban Thường vụ rằng, cho ông gửi lời thăm hỏi đến cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang trong tỉnh, chúc, tỉnh ngày càng phát triển về mọi mặt...

Tôi còn nhớ, hồi mới tái lập tỉnh Quảng Bình, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã dành thời gian vào thăm và làm việc với tỉnh Quảng Bình nhiều lần. Bối cảnh lúc đó, nền kinh tế tỉnh Quảng Bình hầu như không có gì. Có lần, ông đã dành trọn buổi tối để cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh thảo luận, tìm giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Ông đã đề xuất với tỉnh tập trung phát triển các lĩnh vực mà Quảng Bình có lợi thế như sản xuất xi măng, gạch xây dựng, gạch ceramic, bột đá cao lanh, sản xuất bia, chế biến gỗ... Trên lĩnh vực thủy sản, ông gợi ý đẩy mạnh đánh bắt xa bờ với nuôi trồng và chế biến xuất khẩu; đối với nông nghiệp, ngoài việc duy trì diện tích lúa, cần chú trọng đưa giống mới vào canh tác, chú trọng chăn nuôi bò lai và trồng rừng keo, chế biến gỗ xuất khẩu...

Đặc biệt, ông rất quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi... Những ngày đầu tái lập tỉnh, đồng chí Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trăn trở việc mở cảng Hòn La, xem đây là bước đột phát để đưa kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình phát triển. Việc mở cảng vào thời điểm đó rất khó khăn về thủ tục. Lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ ý kiến chỉ đạo và nhận được sự hỗ trợ tích cực của ông.

Trong lần vào chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XI (vòng 1) từ ngày 26 đến 28/4/1991, ông đã dành một buổi thị sát Hòn La và ủng hộ đề xuất của tỉnh về mở cảng này. Khi về Hà Nội, ông đã báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc Quảng Bình xin mở cảng. Đích thân đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi trực thăng vào thị sát Hòn La và cũng đồng ý với Quảng Bình về chủ trương này. Tuy nhiên, sau đó gặp phải một số trở ngại, nên mãi một thời gian dài, việc mở cảng mới thực hiện được.

Một dấu ấn nữa của ông với quê nhà là việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lúc này, ông là Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (quốc lộ Trường Sơn). Ông đi ô tô từ Hà Nội vào Quảng Bình theo đường 15A (tức là đường Hồ Chí Minh nhánh Đông hiện nay). Vào đến xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, ông đề nghị đoàn dừng chân khá lâu để ông thị sát thực địa. Khi về làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, mới biết ông đang nghiên cứu mở thêm một nhánh đường Hồ Chí Minh nữa.

Trở về Hà Nội, ông đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cần mở thêm một nhánh đường phía Tây Quảng Bình, Quảng Trị. Ông nói, bà con dân tộc sống trên dãy Trường Sơn chịu nhiều hy sinh, mất mát phục vụ cách mạng, bây giờ hòa bình rồi mà chưa thoát khỏi đói nghèo. Nguyên nhân một phần là chưa có con đường giao thông đưa bà con ra bên ngoài. Trung ương đã đồng ý đề xuất của ông cho mở thêm nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Bình, dài trên 150km, đi qua xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, là vùng đông bà con Vân Kiều và Pa Cô sinh sống.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên thị sát mở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, Xuân Trạch, Bố Trạch. Ảnh: Trọng Thái

Từ khi có nhánh Tây con đường Hồ Chí Minh, người Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn khu vực Quảng Bình và Hướng Hóa, Quảng Trị thực sự được đổi đời. Để ghi nhận ý tưởng xây dựng nhánh Tây con đường Hồ Chí Minh, ông đã trồng ở ngã ba tuyến Đông-Tây đường Hồ Chí Minh (ở Xuân Trạch, Bố Trạch) một cây đa lá đỏ, nay đã trở thành cổ thụ, trước sự chứng kiến của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và bà con trong vùng.

Khi trên cương vị là Đặc phái viên Chính phủ, đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, ông đã nhiều lần về với bà con các xã vùng rẻo cao biên giới huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa để chỉ đạo chương trình. Qua thực tiễn, ông đã rút ra bài học rất quý báu và có khuyến cáo cho người dân là, không nên trồng cây bạch đàn giống bản địa mà trồng cây keo tai tượng (hay còn gọi keo lai). Ông lý giải, cây bạch đàn trồng chỉ một chu kỳ là hủy hoại đất. Đất nơi nào đã trồng bạch đàn thì sau này không thể trồng cây gì phát triển được. Mặt khác, so với cây keo thì chu kỳ khai thác gỗ của cây bạch đàn dài gấp đôi, hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ ý kiến chỉ đạo này của ông mà hàng triệu héc ta đất lâm nghiệp từ Chương trình 327 thực sự có hiệu quả.

Trong những lần nghe tin tỉnh nhà bị bão lũ, thiên tai, ông đã gọi điện về thăm hỏi, động viên và góp ý với lãnh đạo tỉnh và với các cơ quan ở Trung ương về các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại. Khi về huyện Tuyên Hóa, thấy việc khai thác đá vôi tràn lan, ông đã có ý kiến chấn chỉnh. Ông nói rằng, khai thác tài nguyên phải tính toán thật kỹ để không ảnh hưởng đến môi trường. Đầu tư dự án xi măng là cần thiết, nhưng phải cân đối với nguồn tài nguyên đá vôi, cần đầu tư chống xói lở bờ sông Gianh...

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã đi xa, nhưng hình ảnh và những lời căn dặn ân cần của ông vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân quê hương Quảng Bình.

Trọng Thái

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-tham-que-huong-lan-cuoi-cua-trung-tuong-dong-si-nguyen-post459205.html