Chuyện ở những miền quê đáng sống

Hà Nội đang triển khai đẩy mạnh xây dựng phong trào nông thôn mới. Hiện ở những vùng quê của Hà Nội đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm kinh tế, làm giàu đẹp cho quê hương. Tại không ít vùng ngoại thành như Đan Phượng, Phú Xuyên, Ba Vì… bộ mặt nông thôn đã từng ngày đổi khác, trở thành những vùng quê đáng sống.

Diện mạo mới trên những vùng quê

Đến những vùng ngoại thành Hà Nội không ít lần, nhưng lúc nào cũng vậy, mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những cảm xúc khác biệt. Bên cạnh sự cảm nhận về những làng quê đang ngày càng phát triển với nhiều nhà cao tầng, cửa hàng mọc lên san sát thì ở những vùng đất này, tôi còn được chứng kiến những nụ cười tươi rói của người nông dân khi “trúng” vụ. Chứng kiến niềm vui của những địa phương khi đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao... Tất thảy cảm xúc vui đó, tựa như một bản nhạc hòa tấu đẹp đẽ, minh chứng cho miền ngoại thành Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Bộ mặt làng quê ngày càng khang trang.

Tôi còn nhớ, độ hơn 10 năm trở về trước, tôi đến xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), thời điểm đó nơi đây còn là địa phương gặp nhiều khó khăn bậc nhất Hà Nội. Để đến Vân Hòa, tôi phải mất nhiều giờ đồng hồ đi từ trung tâm thành phố để vào các thôn của xã, bởi đường đất rất khó đi. Nhưng đến nay, hầu hết các tuyến giao thông liên thôn tại Vân Hòa đã được cứng hóa. Những mái nhà kiên cố dần thay thế nhà dột nát, tạm bợ như minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào nơi đây. Ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa chia sẻ, do là xã miền núi nên Vân Hòa có tỷ lệ người dân tộc chiếm 48%, trong đó có 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là Kinh, Mường và một số ít dân tộc khác.

Những khó khăn khi phát triển kinh tế sao cho đồng bộ là khó tránh khỏi. Nhưng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân xã, sự quan tâm của huyện Ba Vì và Thành phố, xã Vân Hòa đã có những bước tiến dài trên chặng đường nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo của Vân Hòa. Dễ thấy, hiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi được xây dựng mới và nâng cấp hoàn thiện đã góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đồng bộ, đời sống người dân được nâng cao.

Cũng là một trong những miền ngoại thành xa Thủ đô, về xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) những ngày này, không chỉ riêng tôi mà tất thảy mọi người đều có thể cảm nhận được nhịp sống mới từ thành quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Những con đường rộng thênh thang, sạch, đẹp, thông thoáng với những hàng cây xanh mướt, các loại hoa đua nhau khoe sắc thắm; những dãy nhà mới khang trang; đường giao thông mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất của người dân… Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng cho biết, sau 6 năm tổ chức xây dựng nông thôn mới nâng cao (từ năm 2017-2022), thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đã đạt 64,3 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao hơn, diện mạo nông thôn đã được đổi mới toàn diện hơn.

Đáng nói, làng quê đổi thay khang trang, người dân trong xã cũng vì thế có ý thức rất cao trong công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh từ trong gia đình đến ngõ xóm, đường làng, các tuyến đường trục chính trong khu dân cư và các công trình do xã quản lý, các tuyến đường do các đoàn thể tự quản. Tại đây, ý thức vệ sinh môi trường đã trở thành nền nếp, toàn xã thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh môi trường và sáng thứ 7 hàng tuần, thu gom rác thải đúng nơi quy định. Nhờ sự chung tay này, trên địa bàn xã Tri Trung luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Hà Nội đang từng ngày đổi khác. Những vùng ven của Thủ đô như Tri Trung, Vân Hòa… đều đang đổi thay theo chiều hướng tích cực. Sự phát triển mang tính bứt phá của ngoại thành đã xóa nhòa dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi với trung tâm Thủ đô.

Những người nông dân dám nghĩ, dám làm

Một điểm đáng chú ý là, tại những vùng quê đang “chuyển mình” cũng có sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân. Không thụ động trông chờ vào các ban, ngành chức năng, không ít người nông dân nơi ngoại thành cũng chủ động trong công cuộc chuyển dịch cây trồng, con giống sao cho đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Hôm ghé thăm huyện Đan Phượng, tôi gặp chị Đặng Thị Cuối, một nông dân đam mê trồng rau hữu cơ, có doanh thu tiền tỷ ở trong vùng. Ít ai biết, chị Cuối cũng là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh năm vừa qua. Kể về quãng hành trình lập nghiệp nơi ngoại thành, chị kể, trước đây gia đình rất nghèo, có thời gian chị phải bôn ba đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, cũng nhờ vậy chị lại có trải nghiệm mới mẻ về trồng rau áp dụng công nghệ tân tiến. Qua nhiều năm mày mò học tập, chị Đặng Thị Cuối quyết định về quê khởi nghiệp. Đáng chú ý, hiện hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đều được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, chị Cuối còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Giống như chị Cuối, ông Lê Văn Huệ (sinh năm 1962) thương binh 4/4, trú tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai cũng là một điển hình trong việc thích ứng, vươn lên làm kinh tế giỏi. Nhập ngũ năm 1979, sau khi bị thương và xuất ngũ, ông Huệ trở về địa phương và làm công nhân cơ khí tại Công ty Sông Đà. Đến năm 1989, ông Huệ nghỉ việc và cùng vợ nhận đất, nhận rừng, lên Hòa Thạch để phát triển kinh tế. Trong suốt 30 năm xây dựng kinh tế, ông Huệ không ngừng duy trì, phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xông pha nơi gian khó. Nhờ sự thích ứng nhanh nhẹn, nắm bắt cơ cấu cây trồng, thành quả ông Lê Văn Huệ đạt được là mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà đẻ, gà thịt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá. Có giai đoạn, gia đình ông Huệ nuôi tới 6.500 gà đẻ trứng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thậm chí, có thời điểm nuôi trồng hiệu quả, thu nhập gia đình ông lên tới 600 triệu đồng/năm.

Cách huyện Quốc Oai không xa, hiện nhiều hộ dân thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) đã phát triển nghề trồng cây cảnh thành ngành kinh tế chủ đạo, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tại thôn An Hòa, có rất nhiều hộ dân đã bén duyên với nghề trồng mai và có cuộc sống ổn định từ nghề này. Với tổng số 252 hộ trong thôn thì có tới 180 hộ đều tham gia trồng cây mai trắng. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Được biết, có nhiều lao động trong thôn không tham gia trồng mai mà chỉ nhổ cỏ thuê cho các vườn cũng có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày công. Tính bình quân thu nhập tại thôn An Hòa đạt trên 85 triệu đồng/người/năm. Từ nguồn thu này người dân đã có nhiều kinh phí để tích cực thực hiện công tác xã hội hóa những phần việc trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Từ những đổi thay của các vùng ngoại thành, có thể thấy thành quả nhân văn nhất của quá trình xây dựng nông thôn mới là an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, tính gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn ngày càng bền chặt, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đứng trên cánh đồng vàng óng, thơm mùi lúa chín, cô bạn đồng nghiệp buột miệng bảo với tôi rằng “Ngoại thành thật đẹp. Ở bất cứ đâu cũng có thể phác họa ra một bức tranh xanh tươi, trù mật” đáng để sống.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-o-nhung-mien-que-dang-song-160522.html