Chuyện ít biết về người cộng sản kiên cường Hoàng Minh Châu

Sáng ngày 27-8-1945, tỉnh lỵ Biên Hòa đã diễn ra một sự kiện lịch sử: Hàng ngàn người dân đủ các thành phần từ nhiều nơi trong tỉnh đã rầm rộ kéo nhau đến quảng trường Sông Phố tham dự một cuộc mít tinh được xem là lớn nhất trước đó. Đại diện cho Xứ ủy Nam Kỳ và Mặt trận Việt Minh Nam bộ, ông Dương Bạch Mai - Thanh tra Chính trị miền Đông chủ trì diễn thuyết về việc thành công của Cách mạng Tháng Tám. Và cuộc mít tinh trở nên bừng bừng khí thế, khi ông Hoàng Minh Châu - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa đứng lên dõng dạc tuyên bố: 'Từ nay chính quyền cách mạng của Việt Minh là của nhân dân…'.

Hoàng Minh Châu thời học sinh. Ảnh: tư liệu

Tiếp đó là việc công bố thành phần Ủy ban Nhân dân cách mạng (UBNDCM) lâm thời tỉnh Biên Hòa. Trong đó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hoàng Minh Châu được cử làm Chủ tịch UBNDCM lâm thời trước sự cổ vũ nhiệt liệt của dân chúng.

* Một chiến sĩ cộng sản kiên cường

Hoàng Minh Châu là ai mà được giao trọng trách lớn lao này trong tình hình lịch sử sang trang mang tính đổi đời của cả dân tộc? Đặc biệt là trong bối cảnh lực lượng cách mạng ở Biên Hòa hết sức mỏng. Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai thì vào thời điểm bấy giờ trong toàn tỉnh Biên Hòa chỉ có khoảng 40 đảng viên ở các chi bộ vừa được khôi phục lại, hoặc mới phát triển còn hoạt động riêng lẻ; chưa tổ chức được Tỉnh ủy.

Vào tháng 5-1945, Xứ ủy Nam Kỳ mở Hội nghị Liên tỉnh ủy miền Đông để phổ biến chủ trương của Trung ương Đảng về tình hình nhiệm vụ mới, trọng tâm là vấn đề chuẩn bị lực lượng để tham gia cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc tại ấp Vĩnh Cửu (nay thuộc địa bàn P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Do các nhóm cộng sản chưa tập hợp lại được, Xứ ủy đã chỉ định 2 đảng viên Hoàng Minh Châu và Huỳnh Văn Hớn làm đại biểu cho Đảng bộ Biên Hòa tham gia hội nghị.

2 tháng sau, tại chùa Tân Mai, đại diện cho Xứ ủy là ông Hà Huy Giáp cho triệu tập Hoàng Minh Châu cùng những đồng chí của ông là: Huỳnh Văn Hớn, Phạm Văn Búng, Đặng Nguyên, Lê Nguyên Đạt đến để truyền đạt chủ trương gấp rút xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng cả về chính trị lẫn vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Là một đảng viên trẻ, Hoàng Minh Châu được Liên Tỉnh ủy miền Đông cử về hoạt động ở Biên Hòa từ những năm 1930. Lúc đó Biên Hòa còn là miệt rừng và đang bước đầu hình thành đội ngũ công nhân lao động khai thác cao su, lâm sản… Hoàng Minh Châu xin vào làm thợ ở Nhà máy Cơ khí Trường Tiền thuộc Ty Kiều lộ Biên Hòa. Nơi đây đảng viên Châu xây dựng được một số cơ sở cách mạng và tiến hành thăm dò, móc ráp được với tổ chức Đảng Cộng sản của nhóm Tư Chà (Lưu Văn Viết). Qua đó đã vận động thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều (nay thuộc xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu). Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Biên Hòa do Hoàng Minh Châu làm Bí thư đã trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng và là nòng cốt để hình thành tổ chức Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa sau này.

Để phát triển phong trào, đặc biệt là mở rộng hình thức tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong tầng lớp thanh niên, học sinh, Chi bộ Bình Phước - Tân Triều do Hoàng Minh Châu lãnh đạo đã bí mật thành lập “Liên đoàn Học sinh” ở Trường tiểu học Bình Hòa (nay ở xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) thu hút được hàng chục học sinh tham gia. Thông qua hoạt động, một số học sinh ưu tú đã giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng như: Phạm Văn Thuận, Huỳnh Dân Sanh, Huỳnh Văn Lũy…

Sinh năm 1912 trong một gia đình hào phú có tiếng ở làng An Trường, Q.Càng Long (tỉnh Trà Vinh), Hoàng Minh Châu với tên trong giấy tờ là Nguyễn Thành Vĩ, là người con thứ 3 của Hương hào Nguyễn Văn Chí (dân làng An Trường quen gọi là “ông Hào Trí” và gọi Vĩ là “Cậu Tư”. Trước đó gia tộc này họ Bùi. Tên đầy đủ của ông Hào Trí là Bùi Văn Chí. Từ nhỏ Tư Vĩ đi học mỗi ngày đều được đưa đón bằng xe ngựa. Khi lên tỉnh lỵ Trà Vinh học trung học, cuối tuần ông Hào Trí đều cho xe ngựa lên nơi trọ học rước về nhà hết sức chu đáo. Năm 1930, vừa 18 tuổi Tư Vĩ thi đậu bằng diplome, được ông Chủ quận Càng Long là Đốc phủ Hồ Văn Trung (nhà văn Hồ Biểu Chánh) mời ra làm quan Đốc học, nhưng Nguyễn Thành Vĩ khẳng khái từ chối và cho rằng… “không thèm làm việc cho Tây”.

Để chuẩn bị khởi nghĩa, nhằm tạo sự thống nhất hành động trước thời cơ mới giữa những nhóm đảng viên cộng sản khác nhau; trong đó có một số đảng viên tại chỗ, một số từ các nhà tù, căng (Camps des travailleurs) Tà Lài, Bà Rá vừa trốn thoát tìm về khôi phục hoạt động, cả những đảng viên do Xứ ủy phân công về… Đảng viên Hoàng Minh Châu với tuổi đời 34 đã có đến 15 tuổi đảng được tin tưởng giao phó gánh vác nhiệm vụ vô cùng hệ trọng này trước tình hình lịch sử bước vào cuộc chuyển động lớn.

* Đổi đời trong cơn dông lịch sử

Với khí thế bùng bừng của phong trào cách mạng, mà nòng cốt là các cơ sở Đảng, nhân dân tỉnh Biên Hòa đã cùng cả nước nhất tề vùng dậy làm nên một mùa thu 1945 lịch sử. Vị Chủ tịch UBNDCM đầu tiên tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) đã thay mặt chính quyền nhân dân tuyên bố truất quyền sở hữu các đồn điền cao su, nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản, xay xát lúa gạo… của các chủ tư bản; tịch thu ruộng đất của địa chủ phong kiến chia cho nông dân; bãi bỏ thuế thân và nhiều thứ thuế bất hợp lý khác do thực dân Pháp đặt ra. Đặc biệt, giảm thuế, giảm tô 25% để khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất.

Chính quyền về tay nhân dân chưa bao lâu, thì thực dân Pháp quay lại tái chiếm. Xứ ủy Nam bộ triệu tập khẩn trương Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa gồm 40 đảng viên tại Nhà hội Bình Trước (nay thuộc P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) và bầu ra Ban chấp hành Tỉnh ủy Biên Hòa lâm thời. Chủ tịch UBNDCM Hoàng Minh Châu được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy. Liền sau đó ông ban lệnh “tiêu thổ kháng chiến” và cùng dân quân Biên Hòa bước vào cuộc chiến.

Trong không khí kháng chiến, ngày 6-1-1946 nhân dân Biên Hòa (trừ xã Bình Trước đang do quân Pháp kiểm soát) đã nô nức tham gia cuộc bầu cử Quốc dân đại hội (Quốc hội) khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 3 đại biểu của đơn vị tỉnh Biên Hòa đắc cử là: Hoàng Minh Châu, Phạm Văn Búng, Điểu Xiểng.

* Đối mặt với trùm mật thám Bazin

Bàn giao công việc lại cho ông Nguyễn Văn Tàng - người được cử làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh Biên Hòa, đại biểu Hoàng Minh Châu lặn lội tìm đường ra Hà Nội họp Quốc hội. Kết thúc phiên họp Quốc hội khóa đầu tiên, đại biểu Hoàng Minh Châu lại vội vã trở về chiến trường. Từ Phú Yên ông xin quá giang “tàu không số” đến Thạnh Phú (Bến Tre) rồi tìm đường lên Biên Hòa. Khi đến được Sài Gòn, tối đó ông ghé nhà người chị vợ ở Tân Định để ngủ nhờ thì bất ngờ bị bọn mật thám Pháp ập vào bắt. Chúng đưa Hoàng Minh Châu vào bót Catinat rồi thi nhau đánh đập, tra tấn rất dã man. Đích thân cò Bazin - Chánh Mật thám miền Đông đến gặp Hoàng Minh Châu và nói với giọng đắc thắng: “Ê! Thằng Vĩ, mày là thằng Nguyễn Thành Vĩ quê ở Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Mày làm loạn ở Càng Long, bị tao tóm được cho đi tù… Nay mày thay tên là Hoàng Minh Châu. Nhưng cũng không thoát khỏi tay tao. Có mấy thằng chủ đồn điền, chủ ruộng, chủ nhà máy… đút đơn kiện mày để đòi lại tài sản khi mày làm chủ tỉnh ở Biên Hòa mày đã ra lệnh tịch thu đó!”.

Cũng bằng tiếng Pháp, Hoàng Minh Châu rắn rỏi trả lời: “Những tài sản đó họ có được là nhờ sự tiếp tay của nhà nước Đại Pháp các ông. Họ bóc lột công nhân, nông dân mà có. Tôi thay mặt nhân dân ra lệnh tịch thu để trả lại cho nhân dân. Ông hãy nói với họ đến gặp dân mà đòi. Còn đối với tôi hiện nay đang bị các ông giam giữ trái phép. Tôi là Nghị sĩ Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một nước độc lập, có chủ quyền được quốc tế thừa nhận. Theo Công pháp quốc tế, nghị sĩ được quyền bất khả xâm phạm về thân thể; chắc nước Pháp cũng tuân thủ luật quốc tế và nước Việt Nam chúng tôi cũng vậy. Ta phải đối xử với nhau theo Công pháp quốc tế. Tôi hiện nay hai tay chỉ có còng, hai chân chỉ có xích xiềng, khắp thân thể đầy thương tích. Như vậy nước Pháp các ông tự xưng là dân chủ, văn minh được ư!”.

Việc bắt giữ trái phép Nghị sĩ Quốc hội Hoàng Minh Châu được mấy tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn lên tiếng. Từ Hà Nội, Chính phủ ta gửi công hàm phản đối, cho là Pháp vi phạm thô bạo Hiệp ước sơ bộ mà hai bên vừa ký kết ngày 6-3-1946. Trước phản ứng mạnh mẽ của công luận, thực dân Pháp buộc lòng phải thả vô điều kiện ngài Nghị sĩ Việt Nam bằng máy bay ra tận Hà Nội.

Sau một thời gian được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, thấy sức khỏe tương đối hồi phục, Hoàng Minh Châu xin trở lại chiến trường. Thấy người chiến sĩ cộng sản này không chịu nhận công tác nhẹ nhàng ở miền Bắc, Trung ương Đảng ra quyết định cử Hoàng Minh Châu làm đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại các tỉnh Tây Nam bộ.

Do sống trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ và những vết thương cũ tái phát, người chiến sĩ cộng sản kiên cường Hoàng Minh Châu ra đi vào lúc 18 giờ ngày 19-6-1948 tại bệnh viện kháng chiến tỉnh Vĩnh Long ở tuổi 37...

Bùi Thuận

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202308/325-nam-bien-hoa-dong-nai-chuyen-it-biet-ve-nguoi-cong-san-kien-cuong-hoang-minh-chau-3174182/