Chuyên gia IISS: Ấn tượng năng lực quân sự tham chiến Việt Nam, Singapore

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), phiên thảo luận Tìm hiểu về cân bằng quyền lực mới ở Châu Á đã diễn ra sáng ngày 12/9 tại Hà Nội.

Tại sự kiện này, Giám đốc điều hành khu vực châu Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS Tim Huxley đã đưa ra nhiều nhận định về tương quan năng lực quân sự và việc chi tiêu cho mua sắm quốc phòng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có là tại Đông Nam Á.

Theo ông Huxley, hiện nay có rất nhiều thông tin nói về sự chạy đua vũ trang tại châu Á - Thái Bình Dương và tất nhiên là không thể nói về chạy đua vũ trang khi chỉ có một quốc gia đổ tiền vào mua sắm quân sự và tập trung về phương diện quân sự.

Tương quan chi tiêu quốc phòng Ấn Độ - Thái Bình Dương

Ông Huxley đã đưa ra một số dữ liệu về chi tiêu quốc phòng của khu vực Ấn Độ Dương– Thái Bình Dương trong năm 2017. Không có sự thay đổi quá lớn và đột xuất về chi tiêu quân sự của khu vực này. Không có gì ngạc nhiên, số liệu chi tiêu quân sự của Mỹ - một cường quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là lớn nhất khu vực về quốc phòng. Dưới thời chính quyền TT Donald Trump, vai trò quân sự của Mỹ đang trải rộng trên khắp thế giới. Và dù Trung Quốc hiện nay đang đổ thêm tiền vào các trang thiết bị, vũ khí quân sự và các chương trình quốc phòng thì tổng chi tiêu quân sự của nước này vẫn còn khiêm tốn so với Mỹ, chỉ bằng khoảng ¼ so với Washington, theo ông Huxley.

Các quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả hòn đảo Đài Loan cũng đang chi tiêu đáng kể cho quốc phòng so với các quốc gia Đông Nam Á. Nhìn chung tại Ấn Độ Dương– Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á chưa chi tiêu nhiều cho quân sự.

Ông Huxley nói về chi tiêu quân sự của Đông Nam Á từ 1993-2018.

Một điều đáng chú ý trong khu vực là Australia - có thể gọi là một siêu cường nhỏ tại khu vực - cũng đang có mức chi tiêu quân sự khá đáng kể và trước đây đã từng nhiều hơn so với toàn bộ khu vực Đông Nam Á gộp lại. Nhưng cần lưu ý là tình huống hiện nay đã thay đổi, cả Đông Nam Á hiện chi tiêu khoảng 40 tỷ USD cho quân sự so với mức 24-25 tỷ USD/năm của Australia.

Nói riêng về Đông Nam Á, trong nội bộ khu vực, chi tiêu quốc phòng đã thay đổi trong 25 năm qua, từ 1993 đến nay. Một điều đáng chú ý ở đây là hiện tại, có 2 quốc gia chi tiêu lớn và vượt trội là Singapore và Indonesia. Nhưng khi nhìn về khoảng 25 năm trước, có 4 quốc gia chi tiêu lớn là Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan và tất cả đều có mức tương đồng. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính 20 năm trước, nó đã tác động đến mức chi tiêu quốc phòng của các nước này. Trong số đó, chi tiêu quân sự của Singapore vẫn tiếp tục tăng, nhưng các nước khác trong khu vực thì chưa hồi phục lại mức ngân sách cho quốc phòng của mình. Chỉ riêng Indonesia, hiện đang bắt đầu theo kịp Singapore về vấn đề này.

Cũng theo ông Huxley, mặc dù có rất nhiều tác nhân ảnh hưởng đến chính sách và chi tiêu quốc phòng tại Đông Nam Á và các khu vực khác, nhưng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, bên cạnh các yếu tố khác như sự cảm nhận về mối đe dọa, vai trò của quân đội với chính phủ, là yếu tổ ảnh hưởng mạnh nhất. Cũng có thể thấy nền kinh tế khu vực đã phát triển tốt kể từ đầu thế kỉ này- điều chứng minh cho việc đà chi tiêu quốc phòng của khu vực Đông Nam Á đang tăng.

Năng lực sản xuất vũ khí của Đông Nam Á ở đâu?

Theo ông Huxley, về cơ bản, khu vực Đông Nam Á chưa có khả năng tự sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự, ngoại trừ Singapore thì có một số khả năng nhất định. Điều đó có nghĩa là các trang thiết bị cơ bản như súng trường, đạn dược thì họ cần phải nhập khẩu các trang thiết bị quan trọng. Đây là điều khác với các quốc gia Bắc Á- nơi đã có những ngành công nghiệp quốc phòng phát triển. Đông Nam Á, trong khi phải nhập khẩu hầu hết vũ khí quân sự, đang bước đầu sản xuất theo các giấy phép nhượng quyền- đây cũng là một xu thế đang phát triển.

Danh mục các nhà cung cấp vũ khí cho Đông Nam Á đang mở rộng.

Ông Huxley nhận định, có thể thấy trọng tâm trong các thương vụ tại Đông Nam Á là liên quan đến máy bay chiến đấu, tàu hải quân, tàu chiến đặc biệt và tàu ngầm. Và danh mục các nhà cung cấp vũ khí cho Đông Nam Á đã mở rộng trong suốt 10-15 năm qua. Trong khi các nhà cung cấp truyền thống là Mỹ, Nga thì có nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bắt đầu thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Còn Hàn Quốc cũng đang có những khóa huấn luyện máy bay T-50 cho Philippines, Indonesia, cung cấp tàu chiến cho Philippines, Thái Lan và một số dự án chung với Indonesia tập trung vào hoạt động sản xuất theo nhượng quyền thương hiệu và phát triển tàu chiến, tàu ngầm.

Ấn tượng năng lực quân sự tham chiến Việt Nam, Singapore

Cũng theo ông Huxley, bản chất của năng lực quân sự không đơn thuần là đổ tiền mua trang thiết bị, vũ khí mà nó là 1 hiệu ứng phức tạp và phải trải qua một quá trình khó khăn thách thức mới có thể nâng cao, phát triển được. Ngoài việc mua sắm vũ khí, năng lực quân sự còn bao gồm nhiều yếu tố khác như năng lực lãnh đạo, hoạt động huấn luyện đào tạo, dịch vụ cơ sở hậu cần và sự hỗ trợ từ cộng đồng lớn hơn, và một điều quan trọng là những kĩ năng chiến đấu.

Đồng thời, năng lực cũng có nội hàm phụ thuộc vào từng quốc gia cụ thể. Như Philippines, năng lực quốc phòng có thể mang hàm ý là chống xâm nhập từ bên ngoài, hay các quốc gia khác có thể là chống bất ổn chính trị nội bộ hay nhiều vấn đề khác.

Ông Huxley cũng nhấn mạnh, tại khu vực Đông Nam Á, có hai quốc gia nổi bật về năng lực quân sự thông thường, năng lực có thể tham chiến là Việt Nam và Singapore, trong đó, năng lực tham chiến của Việt Nam đã được phát triển trong các cuộc chiến tranh lịch sử.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/chuyen-gia-iiss-an-tuong-nang-luc-quan-su-tham-chien-viet-nam-singapore-363205.html