Chuyển đổi số khu vực công: Ngành Ngân hàng tiên phong

Ngày 17/7, tại Diễn đàn 'Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội', các chuyên gia đồng tình nhận định, việc ứng dụng công nghệ số vào khu vực công để giúp không chỉ tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đưa ra định hướng đột phá thể chế cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đặt ra những mục tiêu dài hạn và định vị lại vai trò của khu vực công trong hệ sinh thái số quốc gia.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch VDIC, Trung tâm Thông tin Truyền thông số Việt Nam của Hội Truyền thông số (VDCA) cho rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực.

Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tại các cơ quan Nhà nước còn rất lạc hậu. Nhiều nơi vẫn sử dụng các hệ thống công nghệ cũ, không đồng bộ, gây khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp số hóa mới, như các hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng lẻ, không tương thích, làm chậm quá trình chia sẻ thông tin.

Đồng thời, ngân sách dành cho chuyển đổi số thường bị giới hạn, đặc biệt ở các địa phương hoặc cơ quan cấp cơ sở. Việc triển khai hạ tầng như trung tâm dữ liệu, mạng lưới 5G, hoặc phần mềm quản lý đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nguồn lực tài chính thường không đủ. Khu vực công thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ do mức lương không cạnh tranh so với khu vực tư nhân.

Là một trong những bộ ngành tiên phong trong chuyển đổi số và được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Cụ thể, các quy định pháp lý ra đời theo hướng tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, khai thác dữ liệu dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử để làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng và phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới trên kênh số.

Hiện Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đã làm sạch 57 triệu hồ sơ khách hàng, độ phủ thông tin tín dụng đạt 74,7% người dân trưởng thành. Với việc triển khai Đề án 06/QĐ-TTg và Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN, hiện 63 TCTD đã golive ứng dụng thẻ CCCD gắn chip tại quầy, 57 TCTD đã golive ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua mobile app; 32 TCTD, 15 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VneID. Hiện hơn 120,9 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân, 1,2 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu sinh trắc học. Hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro cho khách hàng (SIMO) thử nghiệm từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 13/7/2025 có 62 nghìn lượt khách hàng/giao dịch đã dừng, hủy giao dịch khi nhận được cảnh báo từ SIMO với số tiền giao dịch trên 283 tỷ đồng.

Từ nền tảng dữ liệu đã được đối chiếu, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành Ngân hàng đã hợp tác, liên kết với công ty Fintech, công ty công nghệ và các ngành, lĩnh vực khác để phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng liền mạch, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn trên kênh số.

Đối với việc số hóa dịch vụ công, ngành Ngân hàng đã chủ động kết nối trực tiếp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, triển khai đa dạng các giải pháp thanh toán, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính. Hiện 100% các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hải quan được thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, 98% người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua TTKDTM, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp được thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, hầu hết các trường mầm non, phổ thông đã sẵn sàng TTKDTM; hơn 88% các bệnh viện đã triển khai TTKDTM, hơn 80% số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức trong triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam. Đó là sự phát triển nhanh của công nghệ, gia tăng rủi ro an ninh mạng, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự thay đổi văn hóa tổ chức.

Ông Dũng cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong chuyển đổi số để cùng với các bộ, ngành xây dựng một nền hành chính công hiện đại, thuận tiện, tạo tiền đề mới cho phát triển kinh tế, xã hội.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-so-khu-vuc-cong-nganh-ngan-hang-tien-phong-167493.html