Chuyển đổi số - Chìa khóa đột phá của doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vận hành ngày một nhanh và khốc liệt, chuyển đổi số không chỉ còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với mọi doanh nghiệp. Tại Hưng Yên, tinh thần đổi mới, tiếp cận công nghệ số đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, trở thành chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Lợi ích nhiều mặt từ chuyển đổi số

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau. Các khâu được ứng dụng số hóa phổ biến gồm: Quản trị, điều hành, dây chuyền sản xuất, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Nhờ chủ động tiếp cận công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp đã bứt phá về hiệu suất sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc nhân công và mở rộng thị trường.

Điển hình là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Quảng Lộc ở xã Lương Bằng hoạt động trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường hơn 50 nghìn tấn sản phẩm, phục vụ trong tỉnh và các khu vực khác trên cả nước. Nhằm hiện đại hóa sản xuất, công ty đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng vào hệ thống dây chuyền tự động hóa. Kết quả đạt được rất rõ rệt: Đội vận hành máy trộn giảm từ 13 người xuống còn 3 người; đội bốc vác từ 30 người xuống còn 5 người, đồng thời hiệu suất hoạt động của dây chuyền tăng 30 - 40%. Ông Lê Quý Oánh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Chuyển đổi số đã tạo bước ngoặt lớn trong quy trình sản xuất, giúp công ty nâng cao năng suất, đồng thời tối ưu chi phí nhân sự, giảm sai sót và tăng độ chính xác trong vận hành.

Không chỉ trong sản xuất, chuyển đổi số còn được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Công ty Omoda & Jaecoo Hưng Yên tại phường Sơn Nam là ví dụ điển hình. Công ty đã triển khai phần mềm quản lý khách hàng CRM để theo dõi hoạt động kinh doanh, đánh giá hiệu quả nhân sự và chăm sóc khách hàng. Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc đại lý, chia sẻ: Nhờ ứng dụng CRM, công ty nắm bắt chính xác dữ liệu khách hàng, tối ưu quy trình làm việc và giảm 20 - 30% nhân lực so với mô hình thông thường. Sau ba tháng hoạt động, chúng tôi đã bán được khoảng 60 xe ô tô, xây dựng được tệp 100 khách hàng, kết quả này đến từ việc quản trị dữ liệu tốt và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Chuyển đổi số trong dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Quảng Lộc

Chuyển đổi số trong dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Quảng Lộc

“Truyền lửa” công nghệ cho doanh nghiệp

Không chỉ dừng lại ở hoạt động của từng doanh nghiệp riêng lẻ, chuyển đổi số tại Hưng Yên đã và đang được thúc đẩy thông qua các chương trình liên kết, tập huấn và hợp tác chiến lược.

Tháng 6/2025, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên phối hợp với Công ty Truyền thông Maymedia Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn “Xây dựng sáng kiến - Ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất và kinh doanh” với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp trong tỉnh. Nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm là “Ứng dụng công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh doanh và thương mại hóa sáng kiến”. Chuyên gia Nguyễn Tất Đạt, Giám đốc Công ty Tekmind đã trực tiếp truyền đạt, chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc đưa các nghiên cứu, ý tưởng kỹ thuật từ phòng thí nghiệm vào thực tiễn sản xuất. Việc khai thác hiệu quả trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tốc thương mại hóa các sáng kiến.

Ông Nguyễn Tất Đạt chia sẻ: “Chính doanh nghiệp là động lực đưa công nghệ ra thị trường. Nếu doanh nghiệp chủ động kết nối và đầu tư vào AI thì sản phẩm, dịch vụ tạo ra sẽ có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần”. Bên cạnh đó, từ năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã liên kết với Công ty cổ phần Công nghệ Atalink nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện số hóa toàn diện. Atalink là nền tảng quản trị chuỗi cung ứng hợp nhất, cung cấp 6 giải pháp thành phần gồm: Quản lý mua hàng, bán hàng, kho, sản xuất, dữ liệu sản phẩm và kết nối đối tác.

Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khoa học - công nghệ hiện đại, mà còn là giải pháp để giảm chi phí, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Quan trọng hơn, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiệm cận với sự phát triển chung của quốc gia và toàn cầu, từng bước tạo dựng vị thế trên bản đồ kinh tế số. Với sự đồng hành của các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ, các hoạt động tập huấn và nền tảng số hiện đại, cộng đồng doanh nghiệp Hưng Yên đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá trong thời đại công nghệ. Trong hành trình ấy, chuyển đổi số chính là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-doi-so-chia-khoa-dot-pha-cua-doanh-nghiep-3182411.html