Chuyện 1.000 tỉ đồng và sách giáo khoa điện tử

'Tôi nghĩ đến một lúc nào đó không cần thiết có sách giáo khoa hoặc sẽ thay thế bằng sách giáo khoa điện tử. Lúc đó, giáo viên có thể giao cho học sinh các chuyên đề cụ thể, sách giáo khoa sẽ trở thành một kênh để tham khảo.

Ngoài ra, thời đại 4.0 phải thoát tư tưởng phụ thuộc sách giáo khoa”, đó là ý kiến của ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) TPHCM trên Pháp luật TPHCM.

Đây là một cách tiếp cận mới, không phải “đến một lúc nào đó”, mà cần phải làm ngay.

Sở GDĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện biên soạn và xuất bản bộ sách giáo khoa. Bộ sách này không chỉ phục vụ học sinh ở TPHCM, không bắt buộc học sinh trên địa bàn TPHCM phải sử dụng. Quyền sử dụng sách giáo khoa này tùy thuộc vào giáo viên, họ sẽ là những người lựa chọn bộ sách nào phù hợp của mình.

Thêm một bộ sách, thêm một cánh cửa để các em bước ra với thế giới tri thức. Theo quan điểm của nhiều người, không nên độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, cho nên, cần ủng hộ dự án này của TPHCM.

Gần đây, có nhiều ý kiến phản ứng trước thông tin mỗi năm phụ huynh chi ra 1.000 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho con, nhưng sau đó là bán đồng nát. Đại biểu Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.9: “Chúng tôi phản ánh lại ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là lý do tại sao mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Chúng tôi phản ánh lại về những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục".

Mỗi nhà một ít, nhưng xét trên toàn xã hội, đây là một sự lãng phí quá lớn. Cho dù phụ huynh vẫn chấp nhận bỏ tiền mua sách cho con, thì người làm quản lý phải nhìn ở góc nhìn rộng hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cho cộng đồng.

Xuất bản sách giáo khoa liên quan đến lợi ích nhóm. Một thị phần lớn là học sinh của đất nước gần 100 triệu dân mà độc quyền một nhà xuất bản thì đừng nói tới chuyện minh bạch.

Vậy thì, hãy mạnh dạn thay thế bằng sách giáo khoa điện tử. Các bộ sách giáo khoa của các nhóm biên soạn khác nhau, sau khi được duyệt sẽ là nguồn sách cho thầy cô giáo lựa chọn giảng dạy, học sinh có nhiều bộ sách để tham khảo.

Học sinh của chúng ta đến trường với cái iPad, khỏi nhọc nhằn. Phụ huynh cũng không tốn kém 1.000 tỉ đồng sắm sách cho con rồi sau đó vứt đi.

Hãy tiếp cận với thế giới bằng công nghệ, đừng học theo kiểu thủ công nữa.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chuyen-1000-ti-dong-va-sach-giao-khoa-dien-tu-632137.ldo