Chương trình trao đổi sinh viên: Nơi thuận lợi, nơi người học không 'mặn mà'

Với chương trình trao đổi sinh viên, có trường thuận lợi thu hút sinh viên tham gia, có nơi sinh viên không 'mặn mà' do điều kiện kinh tế.

Chương trình trao đổi sinh viên là chương trình trao đổi học thuật hoặc trao đổi văn hóa hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước và các trường đại học đối tác trên thế giới. Sinh viên tham gia trao đổi có thể được công nhận và quy đổi tín chỉ tùy theo sự phù hợp của chương trình học.

Do đó, sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội đi học trao đổi ở nước ngoài, đồng thời, các trường đại học tiếp nhận sinh viên quốc tế đến học tập và giao lưu văn hóa.

Sinh viên gặp khó khi tìm tài liệu chuyên ngành

Vũ Đức Thiện - sinh viên năm 4 Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã được nhận học bổng Dự án trao đổi học thuật quốc tế Erasmus+ của Liên minh châu Âu giữa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Palermo (Italia).

Theo Đức Thiện, đây là cơ hội giúp bạn trải nghiệm văn hóa, môi trường học tập quốc tế đầy tiềm năng phát triển nhưng cũng nhiều thử thách.

Chương trình trao đổi sinh viên mà Thiện tham gia kéo dài 5 tháng. Thời gian đầu khi mới đặt chân đến Italia, khó khăn lớn nhất của Thiện là tìm nhà ở do các trường đã bắt đầu học kỳ được 3 tuần, nhà trọ để sinh viên thuê rất khan hiếm.

Đối với Đức Thiện, chương trình học tập ở Italia có một số điểm khác so với Việt Nam, thiên nhiều về việc hiểu bản chất và giải quyết vấn đề. Đồng thời, chương trình đại học được xây dựng cho sinh viên người Italia nên giảng viên sẽ giảng dạy cho sinh viên Italia bằng tiếng Ý và giảng tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình theo dõi bài giảng, nếu không chú ý, sinh viên sẽ gặp khó khi tiếp thu kiến thức.

Chưa kể, tài liệu học tập được sử dụng trong trường đại học là 100% tiếng Ý, do vậy, ngoài việc nhờ sự giúp đỡ của giảng viên, sinh viên sẽ phải tự dịch tài liệu để bổ sung kiến thức chuyên môn.

Là người trực tiếp tham gia chương trình này, Vũ Đức Thiện cho hay, để nâng cao chất lượng chương trình trao đổi, chất lượng tuyển chọn sinh viên của trường cần được đảm bảo, thể hiện ở khía cạnh khả năng ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn để theo học chương trình mà nhà trường hợp tác.

Đồng thời, các bạn cần mạnh dạn nhờ sự giúp đỡ của giảng viên phụ trách môn trong việc tìm kiếm tài liệu cũng như bổ túc, giải đáp nội dung kiến thức chưa nắm rõ.

Cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, giao lưu văn hóa

Chương trình trao đổi sinh viên hiện rất phổ biến tại nhiều trường đại học quốc tế. Ở Việt Nam, các cơ sở giáo dục cũng đang đẩy mạnh hoạt động, hoàn thiện chương trình và tiến tới ký kết hợp tác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, hiện trường đang thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với hơn 100 đối tác ở quốc gia trên thế giới. Hằng năm, trường gửi khoảng 250 - 300 sinh viên tham gia chương trình trao đổi từ 1 học kỳ đến 1 năm học và đón nhận khoảng 50 sinh viên từ các trường đối tác.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Hiện, nhà trường xây dựng quy định riêng về việc quản lý sinh viên của trường đi trao đổi và tiếp nhận sinh viên đến học tập tại trường.

Có thể nói, chương trình trao đổi sinh viên được Trường Đại học Hà Nội quản lý tốt, mang lại những giá trị tích cực cho nhà trường thông qua việc nâng tầm vị thế của đơn vị cũng như tăng cường hoạt động quốc tế hóa trong giáo dục.

Bên cạnh đó, sinh viên tham gia chương trình trao đổi cũng có điều kiện học tập, giao lưu trong môi trường học thuật tiên tiến của các trường đối tác. Từ đó, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và mở rộng cơ hội học tập lên bậc học cao hơn.”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Để tham gia chương trình trao đổi, sinh viên cần đáp ứng yêu cầu về thành tích học tập đạt từ mức khá trở lên; về thành tích hoạt động, sinh viên đã tham gia các chương trình tình nguyện, các hoạt động xã hội, đoàn hội, tham gia các kỳ thi và đạt thành tích. Đặc biệt, sinh viên có điểm rèn luyện tốt và xuất sắc sẽ được cộng điểm ưu tiên.

Chia sẻ về việc sinh viên được hưởng lợi gì khi tham gia chương trình trao đổi, thầy Dũng cho biết, thứ nhất, người học được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến với mức học phí như học tập trong nước.

Thứ hai, sinh viên được trải nghiệm nền văn hóa bản địa và môi trường đa dạng văn hóa của các quốc gia, qua đó phát triển năng lực tìm hiểu và giao tiếp liên văn hóa.

Thứ ba, sinh viên được phát triển năng lực ngoại ngữ của bản thân, đồng thời, được công nhận tín chỉ và chuyển điểm khi quay về trường.

Mặc khác, để sinh viên được học tập trong môi trường quốc tế tốt nhất, Trường Đại học Hà Nội thường tìm hiểu và phân tích kỹ các đối tác để đối sánh chương trình đào tạo, xác định các điểm tương đồng trong đào tạo và khả năng thực hiện trao đổi sinh viên như xét về khía cạnh quy mô, ngành nghề đào tạo hay vị trí địa lý,… trước khi triển khai các chương trình trao đổi sinh viên.

Đề cập đến quá trình triển khai hoạt động trao đổi sinh viên, thầy Dũng cho hay, sinh viên có thể gặp một số khó khăn về an toàn của bản thân, sức khỏe bên cạnh những rủi ro về thiên tai.

Nhìn nhận được vấn đề, Trường Đại học Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ với các trường đại học đối tác, duy trì liên lạc thường xuyên với cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại để bảo vệ và hỗ trợ các em.

Đồng thời, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chương trình trao đổi, coi đây là một trong những trụ cột trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục của trường.

Sinh viên không “mặn mà” vì khó khăn tài chính

Cùng là đơn vị triển khai chương trình trao đổi sinh viên, Khoa Quốc tế (Đại học Huế) bắt đầu thực hiện hoạt động này từ năm 2016. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khánh Linh - Trưởng khoa Khoa Quốc tế (Đại học Huế) cho biết, hiện chương trình trao đổi sinh viên của Khoa vẫn chỉ dừng lại ở 1 chiều, chủ yếu sinh viên quốc tế đến học tập, còn số lượng sinh viên của khoa đi trao đổi tại các trường quốc tế rất ít.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khánh Linh - Trưởng khoa Khoa Quốc Tế (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

“Hiện, đối tác truyền thống của khoa là các trường đại học đến từ Mỹ và Thái Lan. Số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam phụ thuộc vào số lượng trường đối tác đăng ký, đơn cử, đối với các trường đại học ở Mỹ, có những năm chúng tôi tiếp nhận từ 20 - 30 người nhưng có những năm, chỉ có 8 bạn; còn đối tác Thái Lan, số lượng sinh viên trao đổi khoảng 30 người/năm.

Sinh viên chủ yếu học tập về tiếng Việt và văn hóa của người Việt, qua đó, sinh viên được cấp chứng chỉ sau khi học, hoàn thành kì thi đánh giá”, cô Linh chia sẻ.

Khoa Quốc tế (Đại học Huế) xây dựng chương trình học cho sinh viên đến trao đổi với sự tham gia của giảng viên, sự hỗ trợ của tình nguyện viên, đặc biệt là các gia đình tại Thừa Thiên Huế - nơi sinh viên quốc tế trực tiếp sinh sống và giao lưu văn hóa.

Bên cạnh việc học tập kiến thức, sinh viên trao đổi hiểu văn hóa của người Việt thông qua trải nghiệm sống cùng với gia đình giúp sinh viên có thể trải nghiệm, học hỏi và giao lưu văn hóa, lối sống của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Lý giải về việc lựa chọn sinh viên quốc tế sinh sống tại các gia đình ở địa phương, Trưởng khoa Khoa Quốc tế (Đại học Huế) nói: “Bên cạnh việc kết nối, giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia, các bạn còn cảm nhận được tình yêu thương, gắn bó của gia đình Việt Nam mà ở phương Tây có phần khác biệt. Sau nhiều chương trình trao đổi, sinh viên quốc tế phản hồi rất tích cực về hoạt động này”.

Dưới góc độ là đơn vị tổ chức hoạt động này, cô Linh chia sẻ về những lợi ích khi sinh viên tham gia chương trình trao đổi. Thứ nhất, sinh viên quốc tế được học tiếng Việt - một ngôn ngữ mới bên cạnh tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ quốc tế.

Thứ hai, sinh viên được trải nghiệm một cách sâu sắc nhất về văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là văn hóa của người miền Trung từ cách sinh hoạt, ăn uống và lối sống,…

Đồng thời, các bạn được tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt, sinh viên học hỏi về giá trị hình thành nên nét văn hóa người Việt thông qua hoạt động nấu ăn, tìm hiểu về văn hóa triều Nguyễn, trang phục…

Thứ ba, sinh viên người Việt Nam sẽ trở thành tình nguyện viên đồng hành và trải nghiệm cùng sinh viên quốc tế. Đây là cơ hội để các bạn học hỏi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

Đồng thời, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Khánh Linh chia sẻ về những khó khăn khi chương trình trao đổi chưa thu hút được sinh viên Việt Nam tham gia. Cô Linh nói: “Ngoài sức học tốt, đạt đủ điều kiện tham gia chương trình trao đổi, sinh viên thường gặp khó khăn về vấn đề tài chính.

Ví dụ như, tham gia chương trình trao đổi của các trường đại học tại Mỹ, sinh viên sẽ được hỗ trợ chỗ ở, học phí còn phần sinh hoạt phí, sinh viên sẽ phải tự chi trả. Đây cũng là 1 khoản chi phí lớn, do vậy, nhiều sinh viên không “mặn mà” với chương trình trao đổi này.

Song song với chương trình trao đổi, khoa triển khai chương trình thực tập ngắn hạn cho thầy cô, sinh viên với các đối tác phù hợp nhằm mục đích giao lưu, trao đổi chuyên môn, phương pháp giảng dạy diễn ra trong 5 - 7 ngày.

Bên cạnh đó, khoa hỗ trợ sinh viên về nâng cao trình độ ngoại ngữ, thúc đẩy hoạt động giao lưu, các bạn được tiếp cận với các chương trình giao lưu ngắn ngày tại các trường quốc tế.

Thảo Ly

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuong-trinh-trao-doi-sinh-vien-noi-thuan-loi-noi-nguoi-hoc-khong-man-ma-post240470.gd