Chương trình 'Tiếp sức người thầy' ở Kiên Giang: Giúp hàng ngàn cán bộ, giáo viên vượt qua khó khăn, nghịch cảnh

Chương trình 'Tiếp sức người thầy' (viết tắt là chương trình) do CĐ ngành Giáo dục phối hợp với lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang xây dựng đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhiều giáo viên (GV) có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm nghị lực để GV tiếp tục đứng trên bục giảng, ươm mầm trí thức.

Chủ tịch CĐ ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang trao hỗ trợ chương trình “Tiếp sức người thầy” cho giáo viên xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải.Ảnh: LỤC TÙNG

Điểm tựa những cảnh đời

Cô Phan Thị Thu Hương - GV Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP.Rạch Giá), có hơn 32 năm dạy học. Chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con ăn học, cuộc sống khó khăn lại càng thêm thắt ngặt khi cô Hương phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Ngay khi phát hiện hoàn cảnh thương tâm này, chương trình đã đến thăm hỏi và hỗ trợ cô Hương số tiền trên 50 triệu đồng. Cô Hương chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời này mà tôi có tiền chữa trị bệnh tật. Tôi thấy ấm lòng và có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.

Đây là một trong số 2.683 thầy giáo, cô giáo bị tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, được chương trình hỗ trợ từ năm 2011 đến nay. Thông thường định mức hỗ trợ từ 10-30 triệu đồng/trường hợp, nhưng có khi, mức hỗ trợ lên đến 50 triệu như trường hợp cô Hương. Thậm chí, có khi chương trình hỗ trợ lên đến số tiền hàng trăm triệu đồng. Điển hình là trường hợp thầy Trương Văn Vui - cựu GV trường Hồng Bàng (Rạch Giá). Khi phát hiện thầy Vui ở nhà thuê mà 7 năm vẫn chưa thể trả tiền trọ, vì phải nuôi người con tâm thần nên ngoài định mức chung, chương trình còn phát động rộng rãi. Kết quả là thầy Vui được hỗ trợ đến 120 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ GV đang công tác, hoặc nghỉ hưu bệnh tật hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vào các dịp lễ, tết, chương trình còn xét hỗ trợ GV có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên, đột xuất tùy từng trường hợp số tiền hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng, hỗ trợ cất nhà cho GV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện nhận “Mái ấm CĐ”, với mức 20-30 triệu đồng/căn.

Tiếp tục lớn mạnh

Chương trình được CĐ ngành Giáo dục phối hợp với lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang bắt tay thực hiện từ năm 2011, xuất phát từ nguyện vọng chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo lên đến 24.000 người, nhưng phần lớn là “chi viện” từ nhiều địa phương khác.

Với phương châm “Một nghĩa cử, một tấm lòng vì đồng nghiệp”, khởi đầu chương trình kêu gọi GV đóng góp theo mức 1.000 đồng/người/tháng. Sau thời gian khởi động, thấy được hiệu quả và cần nhân rộng, thể theo nguyện vọng của tập thể, chương trình nâng mức đóng góp lên 2.000 đồng/người/tháng. Tuy mức đóng góp chỉ nhẹ nhàng như “ngọn gió”, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn và mạnh mẽ: Không chỉ hỗ trợ hàng ngàn cán bộ, GV vượt qua nghịch cảnh, mà thông qua đó tổ chức CĐ ngành Giáo dục còn có thêm điều kiện sâu sát đời sống đoàn viên, cán bộ, GV và kịp thời quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, GV. Hơn thế nữa, thông qua việc kêu gọi các tấm lòng hảo tâm từ xã hội, chương trình còn truyền thông điệp nhân văn sâu sắc đến mọi người, như lời nhắc nhở toàn xã hội quan tâm giúp đỡ vật chất, tinh thần giúp các thầy cô giáo vượt qua thời điểm khó khăn nhất, ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó với nghề. Quan trọng hơn là qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, giáo dục lòng nhân ái cho học sinh thông qua việc làm ý nghĩa của đội ngũ nhà giáo.

Đặc biệt, đến năm học 2016-2017, được chủ trương của Tỉnh ủy, sự thống nhất của UBND tỉnh Kiên Giang, chương trình đã nâng mức đóng góp lên 1 ngày lương thực lĩnh/GV/năm với quy chế thu-chi rõ ràng, đúng quy định tài chính. Với nền tảng chắc chắn này, tin tưởng rằng, chương trình sẽ phát huy việc tiếp sức lên tầm vóc mới.

LÂM THỊ MẠNH (CHỦ TỊCH CĐ NGÀNH GIÁO DỤC KIÊN GIANG)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/chuong-trinh-tiep-suc-nguoi-thay-o-kien-giang-giup-hang-ngan-can-bo-giao-vien-vuot-qua-kho-khan-nghich-canh-622345.ldo