Chứng tích lẫy lừng trên đồi A1

Địa danh A1 là ký hiệu về một quả đồi, còn người Pháp gọi là Eliane 2-một trong những cứ điểm quan trọng nhất bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Do đó, tại đây, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh với hệ thống công sự kiên cố, vững chắc.

Để đánh chiếm đồi A1, từ đêm 30-3 đến trưa 1-4-1954, bộ đội ta hai lần tổ chức tấn công quân Pháp và chiếm được nửa đồi A1, làm chủ tình thế. Từ đêm mồng 1 đến sáng 3-4, ta tiếp tục áp sát, chiến đấu, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Đến 15 giờ cùng ngày, Pháp tổ chức cuộc phản kích lần hai, sử dụng thêm pháo binh và hai phi cơ thả bom. Nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, các chiến sĩ Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 và Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 của ta đã tập trung hỏa lực tiêu diệt, chặn đứng cuộc phản công, bắn cháy một xe tăng, khiến quân Pháp phải rút lui.

 Di tích hố bộc phá nghìn cân trên đồi A1.

Di tích hố bộc phá nghìn cân trên đồi A1.

Để chuẩn bị tiếp tục đánh chiếm cứ điểm A1, Đại đoàn 316 tổ chức đào 3 đường hào. Lúc này, một vấn đề quan trọng trong kế hoạch tiến công cứ điểm A1 thu hút tâm sức của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn 316 là tìm ra cách đánh hầm ngầm. Nhiều phương án được đưa ra bàn bạc. Cuối cùng, kế hoạch phối hợp với lực lượng công binh của Trung đoàn 151, Đại đoàn 351 đào một đường hầm từ trận địa ta đến chân hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ khoảng 1.000kg đánh sập hầm được Bộ chỉ huy đại đoàn nhất trí và báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch. Bằng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, cuối cùng đường hầm đã hoàn thành đúng kế hoạch. Đến cuối tháng 4-1954, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công được hoàn tất.

Ngày 3-5, Đại đoàn 308 diệt cứ điểm 311B ở phía tây. Lúc này quân ta từ hai phía đông và tây Mường Thanh tạo thế gọng kìm kẹp chặt khu trung tâm. Địch đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt đã có dấu hiệu mở đường máu để rút chạy. Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị sẵn sàng nắm thời cơ, khi có điều kiện chuyển sang tổng công kích ngay và phải bao vây chặt không cho địch rút chạy. Thời gian nổ súng của toàn mặt trận được ấn định là 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, lấy tiếng nổ của gần 1.000kg bộc phá trên đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công.

Đúng 20 giờ 30 phút, khối bộc phá nghìn cân nổ như sấm rền cách hầm ngầm của địch vài chục mét, thổi bay chiếc lô cốt bên trên và cuốn theo phần lớn đại đội dù 2 của quân Pháp đóng ở đây. Mặc dù vậy, những tên lính sống sót của đại đội dù 2 vẫn điên cuồng trút đạn liên thanh về phía ta. Đồng thời, đại đội 3 của quân Pháp đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm cũng tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng.

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4 giờ ngày 7-5-1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trận thắng A1 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyển sang tổng công kích và đã giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ.

Ngày nay, đến với cứ điểm A1 (Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh, như: Lô cốt cây đa cụt; hệ thống các đường hầm; chiếc xe tăng, đặc biệt là hố bộc phá nghìn cân… chúng ta càng thấm thía tinh thần chiến đấu, hy sinh của bao lớp cha anh đi trước để có được nền độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chung-tich-lay-lung-tren-doi-a1-611522