Chứng thực bản sao điện tử: Tiện ích nhưng còn nhiều khó khăn

Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử (BSĐT) mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân và cán bộ, công chức, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tuy vậy trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn cần các cấp, ngành đẩy mạnh hơn nữa mới mong đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn

Dịch vụ chứng thực BSĐT từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo tinh thần Nghị định số 45 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được triển khai toàn quốc từ đầu tháng 7/2020.

Trên cơ sở ấy, ngay khi có kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành hướng dẫn, mở các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về quy trình chứng thực BSĐT cho hàng trăm cán bộ lãnh đạo UBND và công chức tư pháp – hộ tịch, cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cùng lãnh đạo, cán bộ tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.

Bộ phận làm công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính bao gồm chứng thực ở một xã.

Theo đó, quy trình thực hiện chứng thực BSĐT là khi người dân đến bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện, cấp xã, cung cấp bản chính dạng văn bản giấy cho công chức tư pháp - hộ tịch. Sau đó công chức này sẽ kiểm tra và scan văn bản ấy lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để xử lý. Lãnh đạo cấp xã thực hiện chữ ký số và bộ phận đóng dấu theo thẩm quyền. Kết quả được trả qua tài khoản cá nhân tại Cổng Dịch vụ công quốc gia (kho quản lý dữ liệu điện tử) hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản. Các thao tác đều được thực hiện trên môi trường mạng.

Dịch vụ này mang lại tiện ích cho không chỉ cá nhân, doanh nghiệp mà còn cho chính quyền địa phương. Vì chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đã được lưu trữ trên hệ thống, tránh hư hỏng, thất lạc, sử dụng được nhiều lần, tiện ích. Có nghĩa là cá nhân, doanh nghiệp đi đến UBND các cấp để giải quyết thủ tục hành chính không còn phải mang theo giấy tờ như trước đây. Về phía cán bộ công chức giải quyết thủ tục hành chính cũng nhanh gọn, dễ dàng hơn vì bản sao đã được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác. Tuy nhiên, quá trình triển khai dịch vụ chứng thực BSĐT còn gặp không ít khó khăn. Theo thông tin từ các phòng tư pháp huyện, thị trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi vẫn còn lúng túng trong thực hiện dịch vụ này. “Đối với cấp huyện đã thực hiện thông suốt, với cấp xã thì có xã còn lúng túng. Chúng tôi đã đề nghị các xã, quá trình thực hiện vướng mắc ở khâu nào thì báo lên Phòng Tư pháp để kịp thời tháo gỡ khâu đó. Trong trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Sở Tư pháp để có hướng dẫn, với phương châm khó ở đâu thì gỡ ở đó”, ông Nguyễn Phi Hổ - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.

Những khó khăn ấy cũng đã nêu tại Hội nghị tổng kết ngành Tư pháp năm 2023. Sở Tư pháp cho biết đang tiếp tục chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn quy trình chứng thực BSĐT từ bản chính cho cán bộ, công chức và người dân. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền về những tiện ích của dịch vụ này tới người dân.

Trong cuộc cách mạng số, ứng dụng công nghệ vào giải quyết TTHC đang được cả hệ thống chính trị trong tỉnh nỗ lực thực hiện ở tất cả các lĩnh vực đời sống. Khi dịch vụ chứng thực BSĐT được triển khai đồng bộ sẽ là “đòn bẩy” góp phần đưa Bình Thuận bước gần tới tiến trình xây dựng chính quyền số. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, rất cần sự đồng lòng, chung tay của người dân để tỉnh sớm đạt được chính quyền số như kỳ vọng.

Cổng dịch vụ công quốc gia hiện đang thực hiện 725 dịch vụ công trực tuyến. Với thêm 6 dịch vụ công được tích hợp từ 1/7/2020 bao gồm: chứng thực bản sao từ bản chính; đóng BHXH tự nguyện; gia hạn thẻ BHYT; cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chung-thuc-ban-sao-dien-tu-tien-ich-nhung-con-nhieu-kho-khan-117280.html