Chung tay vun đắp tiểu vùng Mê Công hòa bình và thịnh vượng

Hội nghị cấp cao hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10), do Việt Nam chủ trì tổ chức diễn ra từ ngày 29 đến 31-3 đã kết thúc tốt đẹp, tạo dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, đồng thời truyền tải mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào hoạt động gắn kết và phát triển cộng đồng tiểu vùng Mê Công.

Với chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng", Hội nghị GMS-6 đánh dấu chặng đường 25 năm thành lập cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), đồng thời xác định hướng đi cho cơ chế này nhằm xây dựng khu vực GMS thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững. Tại Hội nghị cấp cao GMS-6, lãnh đạo các nước thành viên GMS đã nhất trí các nội dung hợp tác lớn như phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kết nối về thương mại - đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy cơ chế hợp tác mở… Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực GMS tới năm 2022.

Ðiểm nhấn của Hội nghị cấp cao GMS-6 chính là việc Việt Nam lần đầu đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn cấp cao Kinh doanh GMS, với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và nhà nước cũng như kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Sáng kiến này của Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS và sự ủng hộ của các đối tác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN... Hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn cấp cao Kinh doanh GMS, thể hiện sự hứng khởi kinh doanh và niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư đối với chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của Chính phủ các nước thành viên GMS. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của khu vực GMS, như xác định các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, phát triển và tìm kiếm nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng...

Kể từ khi được khởi xướng vào năm 1992 cho đến nay, cơ chế hợp tác GMS đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng và được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong số các cơ chế hợp tác ở khu vực tiểu vùng Mê Công. Hợp tác GMS được triển khai dựa trên ba trụ cột là Kết nối hạ tầng, Tăng cường khả năng cạnh tranh và Kết nối cộng đồng. Trong khuôn khổ cơ chế hợp tác GMS, các cuộc họp định kỳ các cấp, cùng các dự án hợp tác cụ thể đã được duy trì và đẩy mạnh. Khung chiến lược của Chương trình hợp tác kinh tế GMS giai đoạn 2012 - 2022 đã xác định rõ, rằng chương trình GMS sẽ góp phần hiện thực hóa tiềm năng của tiểu vùng thông qua: môi trường chính sách thuận lợi và hạ tầng kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác; phát triển nguồn nhân lực và năng lực kỹ năng…

Sau 18 năm được triển khai, cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV về cơ bản vẫn giữ vai trò là cơ chế gắn kết giữa ba nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam, giúp duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở 13 tỉnh biên giới và thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực ở các tỉnh biên giới. Hội nghị cấp cao CLV-10 rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2010 - 2020; thảo luận các định hướng hợp tác trong thời gian tới, nhất là việc tăng cường kết nối kinh tế giữa ba nước. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030.

Việt Nam vinh dự và tự hào chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10, tiếp tục khẳng định vững chắc vai trò và sự đóng góp của Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong hợp tác tiểu vùng Mê Công nói chung, hợp tác GMS và Tam giác phát triển CLV nói riêng. Ngay từ những ngày đầu tham gia các cơ chế này, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào các sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực giao thông - vận tải, năng lượng, đầu tư, thông tin - truyền thông, nông nghiệp... Các sáng kiến của Việt Nam được các nước thành viên của khu vực GMS và Tam giác phát triển CLV, các đối tác và bạn bè quốc tế đánh giá cao và ủng hộ tích cực.

Với thế và lực được nâng cao cùng kinh nghiệm hội nhập quốc tế được tích lũy trong nhiều năm qua, Việt Nam ngày càng thể hiện sự đóng góp tích cực và hiệu quả trong các cơ chế hợp tác tại khu vực Mê Công, qua đó phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở khu vực. Sự thành công của Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10 không chỉ nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn góp phần quan trọng đẩy mạnh tiến trình liên kết giữa các nước trong khu vực tiểu vùng Mê Công, phối hợp nỗ lực của các nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35952802-chung-tay-vun-dap-tieu-vung-me-cong-hoa-binh-va-thinh-vuong.html