Chuẩn bị đón Tết ở vùng ngập lụt

Người dân thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 chuẩn bị vui xuân, đón Tết. Ảnh: LÊ TRÂM

Đợt lụt sau cơn bão số 12 năm 2020 làm nhiều nhà dân vùng trũng thấp ven sông Kỳ Lộ thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy An bị ngập trong nước. Qua mùa mưa bão, người dân sạ lúa đông xuân và trồng lảnh rau ăn Tết cổ truyền. Dọc theo đường bê tông nông thôn, nhiều nhà “làm đẹp” bụi tre, hàng cau trước ngõ, chuẩn bị đón Tết sum vầy.

Lảnh rau, sắc màu của Tết

Dọc theo tuyến ĐT642 đi qua thôn Tân Bình, Tân Thọ, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), gần như nhà nào cũng trồng lảnh rau gồm hành, ngò, tần ô, xà lách… xanh non trên doi đất trống “gói gọn” khoảng 15-20m2. Chị Trương Thị Lanh ở thôn Tân Bình đang rào lảnh rau, cho biết: Trời mưa phùn “nhắc” mình trồng rau ăn Tết. Gần như nhà nào cũng trồng, rau lên khoe sắc xanh yên bình.

Thôn Tân Bình, Tân Thọ chạy dọc theo sông Cái (sông Kỳ Lộ), mùa mưa bão, nước từ sông Cái tràn vô gây ngập lụt xóm nhà. Nhiều ngôi nhà ở gần bờ sông, nước ngập đụng máng thượng, còn ở phía trong gần ĐT642 thì nước lụt leo lên nửa nhà. Ông Trương Văn Bắc ở thôn Tân Thọ, cho hay: Gần Tết mà trong nhà còn mùi… lụt (mùi bùn đất nhét vô kẽ nứt vách nhà). Qua mùa lụt, sạ ruộng xong là trồng rau ăn Tết. Nhà tôi trước mặt cánh đồng, trồng lảnh rau gối đầu lên bờ ruộng, đi làm đồng về, chiều tối ra tạt nước ruộng lên tưới. Phong tục ở đây, Tết đến mọi nhà không thể thiếu lảnh rau.

Còn xóm nhà cạnh bờ sông Cái thuộc thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), ngập lụt thường xuyên nên Nhà nước hỗ trợ xây nhà tránh lũ. Mới đây, bà Bùi Thị Hạnh ở thôn Tân Hòa cũng xới vạt đất bên hông nhà trồng rau nhưng không yên tâm do sợ nước lụt “ăn”. “Thường tháng 11 âm lịch là hết lụt, gần đây ảnh hưởng biến đổi khí hậu, có năm nước lụt “tràn qua” tháng 12, nên tôi lấy mấy xoong nồi sứt quai trồng thêm hành, ngò để trên gác nhà tránh lụt. Tết con cháu về, ngoài rim mứt, bánh thuẫn, bánh men, ra vườn ngắt rổ rau sống cuốn bánh tráng chấm dưa món”, bà Hạnh nói.

Xóm Thạnh Hạ, thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), chạy dọc theo sông Trà Bương (một nhánh sông đầu nguồn sông Kỳ Lộ), mùa mưa nước từ sông dâng ngập cánh đồng, rồi tràn qua xóm nhà. “Tôi trồng lảnh rau núp sau hè. Mọc ở đất sạn cốm, cây rau bặm, to. Nhìn lảnh rau, háo nức đón Tết”, ông Nguyễn Phi Long, một người dân ở xóm Thạnh Hạ nói.

Tết sớm bên bờ Ngân Sơn

Thôn Định Trung 2, xã An Định và thôn Mỹ Long, xã An Dân (huyện Tuy An) là 2 thôn nằm hai bên bờ sông Ngân Sơn (sông Kỳ Lộ đoạn chảy qua cầu Ngân Sơn, người dân quanh vùng gọi là sông Ngân Sơn). Vùng này trũng thấp nên mùa mưa thường xuyên bị ngập lụt. Từ bao đời nay, người dân ở đây trồng tre ngăn dòng chảy của nước nên mùa mưa chỉ có lụt chớ không có lũ quét. Ông Cao Văn Phúc ở thôn Mỹ Long kể: Bộ “râu tre” (rễ tre) bám đất, ngăn dòng chảy từ sông. Nếu không có tre ngăn, dòng sông chảy thẳng vào xóm nhà tạo ra lũ quét.

Do vậy, người dân vùng này làm gì thì làm nhưng quyết tâm giữ từng bụi tre. “Cuộc sống người dân ở đây sống nhờ tre. Tết gói bánh tét, dùng tre lạt cột chặt rồi đem nấu. Còn nữa, ở đây gần Tết, trong xóm rủ 5-6 người hùn chung mua con heo làm thịt, có đầu, có lòng, có nọng… nấu cháo. Trước cúng sau ăn, rẻ hơn mua ở chợ, lại vui. Sau khi chia phần hùn mang về, con cháu xúm xít, mình cho con có gia đình ở riêng mỗi đứa nửa ký thịt, ký sườn, xỏ cọng lạt tre cột khoanh tròn mang về”, ông Phúc nói.

Bên kia sông xóm nhà thôn Định Trung 2, trong cái nắng xuân hanh vàng, những bụi tre nối dài như bức tranh tre. Tre trồng làm hàng rào ngăn cách lối đi. Tre đứng trước nhà chạy ra đến bờ ruộng.

“Tre ở đây trồng từ thời ông bà, cha mẹ. Sở dĩ có bụi tre ngoài bờ ruộng là vì hồi trước lớp cha mẹ trồng gốc tre làm hàng rào ngăn bò thả ăn lúa, sau đó gốc tre sống ra lá, lớn dần thành bụi tre xanh tươi ngoài bờ ruộng. Xóm nhà ở bên đường bê tông, gần Tết trước nhà nào thì nhà đó quét lá tre khô gom lại đốt. Thanh niên trong xóm đi làm ăn xa, cận Tết mới về. Nhớ nhất những buổi chiều tháng Chạp đứng trước sân nhà hít hà mùi khói đốt lá tre khô, cái mùi không ăn được mà thèm ơi là thèm”, ông Trần Văn Biên ở thôn Định Trung 2 kể.

Dọc theo đường bê tông trong thôn, nhiều nhà “làm đẹp” bụi tre, hàng cau trước ngõ bằng cách rong (dọn) gai, làm cỏ quanh gốc cau, chuẩn bị đón Tết sum vầy.

Trận lụt sau cơn bão số 12, nhiều nhà dân ven sông bị ngập, nhưng nhờ địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai nên hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do bão, lụt gây ra. Đón Tết cổ truyền, huyện sẽ tổ chức thăm hỏi, cấp phát tiền quà Tết cho đối tượng chính sách, người có công, chăm lo Tết cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội…

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/251966/chuan-bi-don-tet-o-vung-ngap-lut.html