Chữa trị đau khớp háng

Khớp háng là khớp vững chắc và có sự liên kết với nhiều bộ phận khác như: chân, lưng và vai... nên đóng vai trò điều khiển các chi dưới hay truyền lực lên phần thân trên, giúp vai và lưng chống đỡ những vật nặng trong quá trình sinh hoạt và lao động. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Khi có hiện tượng đau, người bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để sớm xác định được nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Nguyên nhân đau khớp háng

Nếu bạn bị đau khớp háng, có thể bạn đang mắc phải một trong số các bệnh sau đây:

Bệnh thoái hóa khớp háng: Là hệ quả của quá trình lão hóa sụn và xương dưới sụn. Khi đó, các đầu xương không được sụn bảo vệ, trong quá trình vận động hai đầu xương sẽ cọ xát vào nhau gây đau đớn. Ban đầu có thể là đau háng bên trái hoặc đau háng bên phải và sau đó là đau háng cả hai bên. Cơn đau dần lan xuống khớp đùi và phần thắt lưng hông.

Bệnh viêm khớp háng: Khi không có bất kì yếu âm ỉ, dữ dội thì rất có thể bạn đang bị viêm khớp háng. Nên chữa trị sớm để phòng tránh hoại tử khớp háng.

Viêm gân, viêm bao hoạt dịch: Gân và bao hoạt dịch không thể thiếu trong thành phần cấu tạo của khớp háng. Khi gân và dây chằng bị viêm sẽ gây nên các cơn đau nhức, khó chịu ở khớp háng.

Thoát vị bẹn: Bệnh nhân sẽ thấy vùng háng bị phình to, nguyên nhân là do một phần màng tế bào lót khoang bụng chui vào túi thoát vị gây đau khớp háng, đau vùng bẹn.

Đau dây chằng háng: Phổ biến nhất là do chấn thương hoặc vận động gây viêm dây chằng khớp háng dẫn tới triệu chứng đau dây chằng ở háng.

Bệnh lý viêm khớp háng ở trẻ em: Thường gặp ở độ tuổi từ 3 - 13 tuổi. Là tình trạng khớp háng của trẻ bị các phản ứng viêm tấn công khiến cho khớp dần suy yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động

Ngoài ra, một số yếu tố sau đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau khớp háng:

Chấn thương: Các chấn thương trong quá trình luyện tập thể dục, thể thao hay tai nạn xe, ngã cầu thang... có thể làm trật khớp, gây đau khớp háng.

Tuổi tác: Đau xương háng rất dễ gặp ở người ngoài 50 tuổi.

Lối sống và làm việc không khoa học: Thường xuyên phải bê vác vật nặng, di chuyển nhiều, đạp xe liên tục... khiến khớp háng dễ bị thoái hóa, viêm nhiễm, sưng đau. Lạm dụng rượu bia, thuốc lá gây tắc mao mạch chỏm đùi, thiếu máu tại vùng đùi, háng dẫn đến đau khớp háng. Ngoài ra, thừa cân béo phì cũng gây áp lực lên cột sống và khớp háng khiến khớp này bị tổn thương và đau nhức âm ỉ.

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu của khớp háng thường xuất hiện từ từ tăng dần. Ban đầu, dấu hiệu đau khớp có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Đau khớp có thể chỉ xuất hiện khi bạn đi bộ trên một quãng đường dài, khi gấp háng hoặc khi leo cầu thang. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đau có thể xuất hiện cả khi ngồi, nằm hoặc thậm chí khi ngủ. Cơn đau có thể kéo dài hơn hoặc đau dai dẳng, thường xuyên khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Thông thường, lúc đầu đau có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cảm giác khớp háng cứng, chặt.

Người bệnh có cảm giác hơi khó khăn khi thực hiện các động tác như cắt móng chân, đi tất, đi giầy hoặc khi mặc quần áo. Khi ngồi ghế, cảm thấy khó khăn khi đứng dậy hoặc khó khăn khi bước lên hoặc xuống xe hơi, lên xuống cầu thang... Khi đi bộ, người bệnh cảm thấy khó bước trong vài bước đầu tiên, thậm chí đi tập tễnh hoặc phải dừng để nghỉ ngơi. Theo thời gian, người bệnh không thể duỗi thẳng gối, chân ngắn hơn chân lành.

Điều trị thế nào?

Phương pháp được chia thành 2 nhóm: điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật, bao gồm:

Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đầu tiên, cần hạn chế hoặc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể làm tổn thương khớp háng. Tránh leo cầu thang, không đi bộ quãng đường quá dài hoặc chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như: tennis, cầu lông...

Giảm cân: Khi cân nặng của người bệnh giảm sẽ giúp hạn chế tác động lên khớp háng, giảm đau và mức độ tiến triển của bệnh. Giúp khớp vận động linh hoạt, tránh cứng khớp.

Thuốc tây: Một số thuốc kháng viêm không steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen... giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả, chống viêm nhiễm và ngăn ngừa bệnh trở nặng. Những thuốc này cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ như: nôn, buồn nôn, loét hoặc chảy máu dạ dày...

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong trường bệnh tại khớp háng chuyển nặng, việc dùng thuốc không còn tác dụng, các cơn đau diễn tiến mạnh mẽ và dai dẳng hơn, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động sẽ được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng để tái cấu trúc khớp. Trước khi thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được khám khớp háng kĩ càng.

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần là phương pháp phổ biến, được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương và tuổi tác của người bệnh... Vậy phẫu thuật thay khớp háng ở đâu tốt? Đây là phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao, tốt nhất nên tới các bệnh viện tuyến Trung ương, có chuyên khoa về cơ xương khớp như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện TW Quân đội 108... để thực hiện.

Tập luyện sẽ giúp khớp háng trở nên linh hoạt, dẻo dai, giảm đau và hỗ trợ đẩy lùi bệnh lý xương khớp. Người đau khớp háng nên thực hiện bài tập kéo gối, nâng cao chân, tư thế đứa trẻ, tư thế con ếch... để khớp háng trở nên linh hoạt, dẻo dai, giảm đau và hỗ trợ đẩy lùi bệnh lý xương khớp.

Các bài tập yoga cũng giúp mở khớp háng hiệu quả, xương hoạt động linh hoạt. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng thêm một số phương pháp như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, laser để hỗ trợ đẩy lùi đau nhức, thông kinh hoạt lạc.

Theo suckhoedoisong.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201911/chua-tri-dau-khop-hang-2460744/