Chùa Cả Cát - Dấu cũ tòng lâm trên đất sen hồng

Chuyện đi lại ở miền Tây bây giờ đã dễ dàng hơn trước nhiều phần, đường sá mở mang rộng rãi, phẳng phiu, vậy nhưng đi đến đâu trên mảnh đất này, dấu tích của những thủy trình thuở xưa trên sông nước vẫn còn hằn in.

Từ đường lớn, muốn tới chùa Cả Cát phải theo đường nhỏ vô sâu trong xóm, ô-tô khó lọt, lại đương sửa sang nên có phần dằn xóc khó đi. Chùa tên chữ là Bửu Hưng, nhưng nếu hỏi dân địa phương, chắc chẳng mấy ai biết cái tên ấy. Hỏi chùa Cả Cát thì ai cũng chỉ được đường tới nơi.

Anh xe ôm chở chúng tôi từ ngoài đường lớn vào chùa hôm đó có kể rằng, hồi còn nhỏ, anh cũng từng được má dẫn đi chùa Cả Cát, nhưng không phải đi đường bộ mà đi bằng xuồng, bơi theo con nước, đậu vô bến ngay trước cổng chùa. Thuở ấy, dân ở đây đi lại phần nhiều bằng xuồng ghe, kênh rạch dọc ngang bủa vây khắp xứ. Đường vô chùa bây giờ cũng men theo bờ nước, được mở mang trải nhựa nhưng không rộng là mấy, lại qua lui tới dăm cây cầu mặt rộng chỉ vừa đủ lọt một chiếc ô-tô.

Những bức hoành phi chạm trổ tinh xảo

Những bức hoành phi chạm trổ tinh xảo

Sự xưa truyền lại, thế kỷ XVIII, có một thiền sư tự là Nguyễn Đăng từ miền Trung lặn lội vào đến đây để ẩn tích tu hành, dựng lên thảo am thờ Phật. Không ai còn biết thiền sư sinh năm nào, tịch năm nào, hành trạng ra sao, tất cả xóa nhòa theo thời gian chỉ còn đôi câu thơ “Vạn lý kinh đô biệt” còn lại trên tháp mộ. Sau khi Thiền sư Nguyễn Đăng viên tịch, Thiền sư Tịnh Châu đến đây trụ xứ, cũng không ai còn rõ năm sinh, năm tịch của ngài. Đến năm 1803, Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm (1780-1859) từ chùa Sắc tứ Long Tuyền ở Thạnh Phú (Tiền Giang) đến đây trụ trì.

Trên đường bôn tẩu, có lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, chúa Nguyễn Phước Ánh từng ẩn lánh đến chùa rồi thoát nạn. Cảm ơn đức ấy, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban biển sắc tứ cho chùa, và ban tôn hiệu cho Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm là Từ Dung Hòa thượng. Từ ngôi thảo am tranh tre, Từ Dung Hòa thượng đã cho xây cất ngôi chùa Sắc tứ Bửu Hưng khang trang kiên cố.

Hệ thống bao lam, thành vọng chạm trổ công phu

Hệ thống bao lam, thành vọng chạm trổ công phu

Đến đời trụ trì thứ 8, chùa được tổ chức đại trùng tu bởi Đại sư Như Lý Thiên Trường (1887-1969) để có được quy mô, diện mạo như ngày nay. Trong suốt hơn một trăm năm, kể từ đợt đại trùng tu đó, chùa Cả Cát đã trải qua nhiều lần hư hại do thời tiết, chiến cuộc rồi được tu sửa, xây cất thêm. Tuy nhiên, phần trung tâm chánh điện của chùa với hệ thống long khám, bao lam, thành vọng, hoành phi câu đối được làm từ thời Đại sư Như Lý Thiên Trường gần như vẫn còn nguyên vẹn cho tới hiện tại. Đây cũng là phần đặc sắc nhất trong kiến trúc của chùa, thể hiện hết trình độ tài hoa, điêu luyện của người thợ thủ công ngày trước, cũng cho thấy rõ đặc điểm thẩm mỹ trong điêu khắc truyền thống Nam Bộ trên bộ bao lam, thành vọng và cặp câu đối được chạm lộng tứ linh, hoa lá,… dày đặc trên hai cột cái của chánh điện.

Đặc biệt, trong long khám ở trung tâm chánh điện là pho tượng Phật Di Đà bằng gỗ cao 2,5m, được triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Pho tượng này có kiểu thức tạo hình gần như tương đồng với pho tượng Phật Di Đà chùa Quốc Ân Khải Tường hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM.

Khá đáng tiếc là gần đây, tượng đã được tu sửa, thếp lại lớp vàng mới, lộng lẫy hơn, nhưng lại vĩnh viễn làm phai đi nét cổ kính không dễ có được mà thời gian đã vô ý phủ lên.

Tượng Phật Di Đà do triều đình nhà Nguyễn cúng dường

Tượng Phật Di Đà do triều đình nhà Nguyễn cúng dường

Qua bao nhiêu dâu biển thăng trầm, chùa Cả Cát vẫn còn giữ được dáng dấp của ngôi chùa thuở trước. Cũng như vô số những kiến trúc xưa cũ còn sót lại trên xứ sở này, chùa mang vẻ ngoài nhỏ bé khiêm nhường, nép mình giữa màu xanh của vườn tược cỏ cây, dưới những hàng dầu trăm tuổi vút cao trước bến sông nhưng ẩn tàng bên trong là lộng lẫy vàng son, huê dạng bề thế, gợi lại khí độ của một chốn tòng lâm uy nghi vùng sông nước, chừng đã rơi rớt lại trong phai bạc thời gian.

Nắng sớm vừa lên, rọi những tia nắng đầu ngày xuống khoảng thiên tỉnh của chùa, rọi qua những song cửa hẹp, đủ làm sáng bừng lên những bức hoành phi, liễn đối vẫn còn ít nhiều phong quang ngày cũ. Trúc tre xào xạc rủ mành xuống rêu phong tháp Tổ. Đá nghiêng gạch đổ trước trăm năm, tĩnh tại qua bao nhiêu cuộc đổi dời bãi biển nương dâu, kể từ thuở Thiền sư Nguyễn Đăng đặt bước đến đây, sau cuộc viễn hành ngàn dặm “dạ nguyệt độc chinh Nam”.

Chùa mang những nét tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống Nam Bộ

Chùa mang những nét tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống Nam Bộ

Hệ thống tượng thập điện

Hệ thống tượng thập điện

Mỗi chi tiết đều in đậm dấu thời gian

Mỗi chi tiết đều in đậm dấu thời gian

Vườn tháp Tổ chùa Cả Cát

Vườn tháp Tổ chùa Cả Cát

Bài & ảnh: Nguyễn Cường/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/chua-ca-cat-dau-cu-tong-lam-tren-dat-sen-hong-post75543.html