Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động

ĐBP - Huyện Ðiện Biên Ðông được đánh giá có tỷ lệ lao động đông và trẻ với 38.380 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% tổng dân số. Trong đó, lao động nông thôn chiếm 94,31%. Ðể tạo việc làm cho người lao động, huyện Ðiện Biên Ðông đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn nghề, việc làm phù hợp điều kiện thực tế. Các phòng chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. UBND huyện khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa...

Cán bộ xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) tuyên truyền pháp luật kết hợp phổ biến chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, huyện Ðiện Biên Ðông đã liên kết, phối hợp với các trung tâm, trường học có chức năng đào tạo nghề để đào tạo nghề cho 574 lao động (đạt 78,63% kế hoạch), tăng 180 lao động so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 15 lớp đào tạo nghề cho 523 lao động nông thôn; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề tỉnh đào tạo nghề cho 33 lao động nông thôn (trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 27 lao động, trình độ trung cấp cho 6 lao động); phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 18 lao động.

Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Cùng với giải quyết việc làm tại chỗ, huyện chú trọng giải quyết việc làm thông qua làm việc có tổ chức trong nước và xuất khẩu lao động. Ðể thu hút được lao động đi làm việc có tổ chức và làm việc tại nước ngoài, huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh dành cho người đi xuất khẩu lao động để từng người dân nắm rõ; đồng thời tạo điều kiện về thủ tục vay vốn cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức 22 hội nghị tư vấn, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động với sự tham dự của trên 1.200 lượt người. Cùng với đó, hỗ trợ 72 lao động đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh về ăn tết và 58 lao động đi làm sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, với tổng số tiền 50 triệu đồng.

Ðến nay, tổng số lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài huyện là 2.046 lao động (đạt 120,35% kế hoạch); trong đó đi làm việc có tổ chức là 411 lao động, tăng 186 lao động so với cùng kỳ năm 2018. Huyện đã hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn Quốc cho 32 lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động trong ngành Nông nghiệp tại Hàn Quốc với tổng số tiền hơn 247 triệu đồng. Kết quả, có 20 lao động đạt yêu cầu, chiếm 76,92% tổng số lao động thi tuyển đạt yêu cầu toàn tỉnh; trong năm huyện có 8 lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Bằng nhiều giải pháp tạo việc làm, từ đầu năm đến nay, huyện Ðiện Biên Ðông đã giải quyết việc làm mới cho 700 lao động, tăng 88 lao động so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và qua đào tạo trên địa bàn huyện; nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao khi tỷ lệ lao động có việc làm thông qua đào tạo chỉ chiếm 24,6% tổng số lao động. Thời gian tới, Ðiện Biên Ðông tiếp tục khắc phục hạn chế là phần lớn số lao động chưa qua đào tạo và chưa có việc làm thường xuyên, gây lãng phí nguồn nhân lực dồi dào; cơ cấu lao động, việc làm còn bất hợp lý (trong số 700 lao động được tạo việc làm mới có 9,5% số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 79,8% lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và 9,7% lao động trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại). Do trình độ không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, đa số lao động nông thôn qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn phải tự tìm việc làm.

Bài, ảnh: Phong Vân

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174626/chu-trong-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong