Chủ nghĩa dân túy: Những nội hàm đương đại

Không phải bây giờ mà từ nhiều thập niên trước, các nhà chính trị học đã nhận thức được những hệ lụy từ chủ nghĩa dân túy. Hiểu một cách kinh điển nhất, chủ nghĩa dân túy, đó là chính sách hướng tới quần chúng rộng rãi và hứa hẹn với họ cách giải quyết đơn giản dễ dàng đối với những vấn đề thuộc diện 'nan y, trọng bệnh' của xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chủ nghĩa dân túy không chỉ đe dọa thế giới bằng mức độ mà ai đó cho rằng nó có thể đáp ứng được nguyện vọng và mong ước của “nhân dân”.

Những người phê phán chủ nghĩa dân túy không đúng khi cho rằng, chủ nghĩa dân túy phủ nhận hoàn toàn nền dân chủ - thực ra, nó chỉ làm biến đổi khái niệm dân chủ bằng những tuyên truyền về “sự tham gia rộng rãi” vào đời sống chính trị và “cách giải quyết nhanh gọn và hiệu quả” các vấn đề thiết yếu.

Chủ nghĩa dân túy có nhiều tiềm năng trong việc huy động quần chúng nhưng nó không thể đồng nghĩa nó với sự bất mãn tích tự trong quần chúng rộng rãi về chủ nghĩa tân tự do trong xã hội phương Tây: thực chất, chủ nghĩa dân túy, đó là kết quả của chính sự hài lòng với chính sách tự do, được lý giải như chính sách của “những cơ hội thuần túy”.

Các nhà dân túy dĩ nhiên luôn tìm ra giữa các cơ hội đó những khả năng phản tự do cho mình… Jean – Werner Muller, giáo sư Đại học Princeton, tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa dân túy là gì?” từng nhận xét: trong các cuộc vận động tranh cử, các nhà dân túy không nói chuyện về thực chất vấn đề - họ không nêu lên những sự kiện cụ thể, không đưa ra những chương trình thực tế. Không thể nào tranh luận với họ, cũng không thể phản biện được: “Họ cứ chăm chăm buộc cho tất cả những đối thủ trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với họ tội tham nhũng, suy đồi và sự không chính danh căn bản”.

Các cử tri về thực chất chỉ được lựa chọn duy nhất sự tin tưởng mù quáng vào những gì các nhà dân túy nêu ra.

Và, như GS Muller nhấn mạnh, những ai từ chối nhắm mắt tin tưởng thì đều bị các nhà dân túy liệt vào đội ngũ “kẻ thù”, “không yêu nước”, “công dân hạng hai”…

Theo lời GS Muller, các nhà dân túy đều giống nhau ở chỗ cho rằng chỉ có họ mới có thể đại diện cho “tiếng nói của nhân dân”. Những công dân nào không thích ứng với quan niệm của họ về “nhân dân” (và dĩ nhiên là không ủng hộ cho các nhà dân túy) thì đều bị họ coi là ít tư cách công dân hơn so với những người còn lại.

GS Muller đã đưa ra một thí dụ là trong cuộc bỏ phiếu tại Anh năm 2016, nhà tư tưởng của Brexit (tách nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu), thủ lĩnh đảng Vương quốc Anh độc lập, Nigel Farage, đã chào mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý bằng câu: “Đây là thắng lợi của những con người chân chính”.

Theo cách đó thì hóa ra những ai không đồng ý để nước Anh rút khỏi Liên mình châu Âu là “những người không chân chính”?!

Mới đây, ngày 18-4-2018, tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” phối hợp cùng Hội đồng Nga về các công việc quốc tế đã tiến hành cuộc thảo luận “Chủ nghĩa dân túy trong chính sách đối ngoại: đó là gì?”

Tham gia thảo luận có bốn chuyên gia: Georgi Bovt, nhà báo, nhà chính trị học Nga; Ivan Safranchuk, trưởng khoa các quá trình chính trị thế giới của Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moskva (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga; Aleksei Fenenko, chuyên gia khoa họC của Viện Các Vấn đề An ninh Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Trưởng khoa Chính sách Thế giới của Trường Đại học Quốc gia Moskva (MGU) mang tên M.V. Lomonosov và người chủ trì, phó tổng biên tập tạp chí Profil, Artem Kobzev.

Trong cuộc thảo luận trên, các chuyên gia thống nhất ý kiến rằng, khái niệm “chủ nghĩa dân túy” đang có nhiều góc cạnh và định nghĩa khác nhau. Và họ đưa ra một số định nghĩa như sau:

- Đó là việc hướng tới những khái niệm đơn giản hóa của các công dân về một số vấn đề nào đó của những người không hài lòng với các nhận định mang tính chuyên môn cao hơn;

- Đó là việc tác động bằng dư luận xã hội để ủng hộ cho quyết định chính trị này hay quyết định chính trị khác. Có nghĩa là một bộ phận của giới tinh hoa muốn gia tăng vị thế của mình bằng cách hướng tới ý kiến của các công dân;

- Đó là việc đưa ra một chính sách làm hài lòng đa số dân chúng mà không quá quan tâm tới việc sẽ thực hiện nó hay không;

- Đó là khả năng tác động tới một bộ phận lớn dân chúng và tập hợp họ bằng việc đưa ra một số lời hứa mang tính tuyên cương lĩnh nhất định;

- Chủ nghĩa dân túy trong chính sách đối ngoại – đó là việc huy động những thành phần dân chúng lớn với lời kêu gọi họ hành động để thực hiện những hành động tiếp theo.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những đặc tính sau của chủ nghĩa dân túy:

- Những năm 70 của thế kỷ XIX đã là ranh giới rõ rệt xác định sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy, thời điểm hình thành xã hội công nghiệp hiện đại và đưa chính trị tới cùng quần chúng. Quá trình này đã được hoàn thành sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi diễn ra việc loại bỏ giới quý tộc khỏi chính quyền và sự vươn lên của các chính khách cần chiếm lĩnh sự ủng hộ của dân chúng.

- Chủ nghĩa dân túy là hệ quả từ sự phát triển thái quá của những xã hội quan liêu. Bởi lẽ không có những chấn động lớn thì một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy không thể làm nên sự nghiệp, hệ thống quan liêu sẽ phong tỏa họ ngay ở những giai đoạn đầu dựng nghiệp.

- Trong hệ thống quan liêu cần phải có ba yếu tố: chính trị gia cần phải chơi nhất nhất theo quy tắc đã có, không được mảy may vi phạm; phải biết biến tấu gió chiều nào che chiều nấy theo ý người đứng trên, biết thỏa hiệp; phải hài hòa với hệ thống. Còn người theo chủ nghĩa dân túy thì cố gắng phá bỏ hệ thống và đặt ra luật chơi mới, duy trì quan điểm của cá nhân mình.

- Nhân loại hiện nay đã thỏa thuận được với nhau trong những vấn đề cơ bản nhờ tác động tương hỗ cũng như hoạt động đối đầu của hai hệ thống (cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa).

Ở thời điểm hiện nay đang tồn tại những chương trình thời sự như xã hội thông tin, điều chỉnh mạng internet, vấn đề người tị nạn.

Thường xuyên nảy sinh những vấn đề mới mà các chính trị gia theo khuynh hướng truyền thống thường không đưa ra được những giải đáp làm hài lòng quần chúng.

Trong khi đó, chính trị như những ý tưởng cần phải được bán cho người tiêu dùng là người dân và phải làm sao cho họ “thuận mua”.

- Người theo chủ nghĩa dân túy, đó là chính trị gia muốn đặt hình thái đang tồn tại vào sự hoài nghi. Như vậy, việc nhìn nhận một chính trị gia như thế chỉ có thể là tiêu cực nếu hình thái đang tồn tại là quý giá đối với xã hội.

Còn nếu hình thái đang tồn tại đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản hoặc ít ra phải được xét lại thì có gì là xấu ở những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy?

- Hình thái đang tồn tại không phải là vĩnh cửu, quả thực nhân loại trong thế kỷ XX đã thỏa thuận được với nhau về những giá trị nền tảng nhưng chỉ mới đây thôi những xã hội Tây phương và cả những xã hội không Tây phương đã tỏ ra hoài nghi về một số chi tiết.

Thí dụ như về sự đúng đắn chính trị. Chỉ trong những xã hội hòa bình mới có thể nổi lên những vấn đề như sự khoan dung, các cộng đồng thiểu số, các vấn đề truyền thông…

Lịch sử cho thấy những vấn đề này không thể có chỗ trong những xã hội chuyên chế. Chúng sẽ bị coi như là chuyện tầm phào vì quan trọng nhất trong những xã hội như thế là mưu sinh.

- Thường người ta vẫn cho rằng chủ nghĩa dân túy là hiện tượng mang tính Tây phương.

Ở nước Nga hiện cũng có hiện tượng này. Tại châu Á, chủ nghĩa dân túy như một phương thức phản biện lại những chân lý đã tồn tại từ lâu, ít được thể hiện nhưng dẫu sao vẫn có, đặc biệt là tại một số nước lớn và phát triển.

Cụ thể như ở Ấn Độ, một đất nước theo chủ nghĩa đa nguyên và có một đời sống chính trị công khai cởi mở.

Điều kiện để chủ nghĩa dân túy tồn tại: sự bất mãn của một bố phận dân chúng đối với hệ thống chính trị quan liêu đang tồn tại và một bộ phận các chính trị gia muốn lợi dụng sự bất mãn này.

- Tại châu Á không có những khái niệm như “tận cùng của lịch sử” như ở phương Tây nên điều kiện để bộc lộ các ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến quá đà, không thuận lợi như ở các nước phương Tây.

- Hiện nay tại phương Tây việc huy động quần chúng tiến hành những hoạt động thực tế còn bị phong tỏa bởi sự ổn định tương đối, sự tồn tại của nền công nghiệp giải trí và sự tồn tại của không gian riêng tư không chịu sự quản lý của nhà nước.

Hiện nay ba yếu tố này vẫn phong tỏa được khả năng huy động lượng quần chúng đông đảo. Chính vì thế nên chủ nghĩa dân túy hiện đang hoạt động ở mức độ ủng hộ thụ động: thu nhận phiếu bầu ủng hộ.

Có nghĩa là vẫn tiếp tục duy trì khoảng cách giữa việc huy động quần chúng với các hành động của các chính trị gia…

Trong tương lai gần, mọi sự có thể thay đổi. Và chủ nghĩa dân túy có thể dẫn tới những bùng nổ nghiêm trọng…

Nguyễn Trung Tín

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chu-nghia-dan-tuy-nhung-noi-ham-duong-dai-tintuc409800