Chớ vội mừng!

Những ngày gần đây, giới chức Mỹ và Trung Quốc cùng tuyên bố rằng, giai đoạn 1 thỏa thuận thương mại song phương có thể được ký kết trong tháng 11 này.

Điều này khiến nhiều người lạc quan về khả năng khép lại cuộc "so găng" thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sau gần 16 tháng áp thuế quan trả đũa qua lại lẫn nhau, khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Đã lâu lắm rồi các nhà đàm phán Mỹ-Trung mới dành cho nhau những lời “có cánh” về tiến trình đàm phán thương mại song phương. Những cụm từ như: “Tiến bộ trong nhiều lĩnh vực”, “hai bên thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng về những vấn đề thương mại cốt lõi”, “đồng thuận về mặt nguyên tắc” và “đã thảo luận về việc thu xếp cuộc tham vấn tiếp theo”… được đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc hay Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhắc tới cho thấy đã có tiến bộ thực sự trong quá trình đàm phán thương mại giữa hai bên. Những tiến bộ này được Cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà trắng Larry Kudlow nêu cụ thể, là các vấn đề về tiền tệ, dịch vụ tài chính, giải quyết những hạn chế đối với phần lớn sở hữu nước ngoài trong các công ty Trung Quốc và mở cửa thị trường cho xuất khẩu nông sản của Mỹ.

Những tuyên bố lạc quan trên một lần nữa khẳng định thông điệp đầy hy vọng của Mỹ cách đây một tuần về một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc, góp phần chấm dứt 16 tháng căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước. Sau một thời gian tẩy chay kéo dài, Trung Quốc cũng đã nối lại một số giao dịch mua nông sản của Mỹ, dù chưa thể đáp ứng được kỳ vọng cao của Tổng thống Donald Trump.

Sự lạc quan về cơ hội chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn được củng cố sau lời tuyên bố đầy hào hứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-11 vừa qua. Trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm đó, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định rằng, cuộc đàm phán với Trung Quốc đang tiến triển và hai bên đang lựa chọn một địa điểm mới để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, chiếm khoảng 60% thỏa thuận tổng thể. Người đứng đầu Nhà trắng còn đề xuất chọn bang Iowa là nơi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ký giai đoạn 1 thỏa thuận thương mại trên.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ ông Donald Trump chọn Iowa bởi đây là địa điểm có ý nghĩa biểu tượng cao khi là nơi đầu tiên mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân đến khi thăm Mỹ năm 1985 để nghiên cứu công nghệ canh tác. Trước đó, hai nhà lãnh đạo có kế hoạch ký kết phần đầu tiên của thỏa thuận thương mại song phương tại Chile, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến diễn ra vào ngày 16 và 17-11. Tuy nhiên, Chile đã quyết định rút quyền đăng cai hội nghị do làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát ở quốc gia Nam Mỹ.

Dù một loạt tín hiệu tích cực đã xuất hiện, song giới phân tích cũng cảnh báo Mỹ và Trung Quốc chớ vội mừng. Còn nhớ cách đây nửa năm, Bắc Kinh và Washington cũng tiến gần đến một thỏa thuận thương mại nhưng đàm phán đã đổ vỡ vào phút chót. Nguyên nhân là do Trung Quốc rút lại cam kết về điều chỉnh pháp luật mà Bắc Kinh nhất trí trước đó để đáp ứng yêu cầu cốt lõi của Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và một số nội dung khác.

Hơn nữa, bảo vệ tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ-hai vấn đề gai góc trên bàn đàm phán Mỹ-Trung lại nằm trong "giai đoạn 2" của thỏa thuận thương mại. Do vậy, dù giai đoạn 1 có được ký kết trong tháng 11 này nhưng để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ-Trung chắc chắn còn cần thêm nhiều thời gian.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cho-voi-mung-598929