Chiến sự Nga - Ukraine tròn 2 năm: Kiev chuyển từ tấn công sang phòng thủ

Sau hai năm xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Kiev đang buộc phải áp dụng chiến lược phòng thủ chặt chẽ hơn do thiếu quân và đạn dược trước sức mạnh quân sự bền bỉ của Nga.

"Phòng thủ trước, tấn công sau"

Hai năm sau khi lực lượng Nga tiến vào lãnh thổ, Ukraine đã chính thức áp dụng chiến lược mới tập trung vào phòng thủ. Trong bài phát biểu ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thừa nhận tình hình ở tiền tuyến đang "cực kỳ khó khăn".

Việc rút quân gần đây khỏi thị trấn Avdiivka phía đông cho thấy thế trận phòng thủ mới của Kiev. Sau nhiều tháng giao tranh ác liệt, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã đưa ra lựa chọn rút lui chiến thuật.

Quyết định này đã mang lại một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Điện Kremlin nhưng cũng giúp hàng nghìn binh sĩ Ukraine bảo toàn tính mạng. Quyết định này hoàn toàn trái ngược với chiến thuật tổng lực từng thấy trong trận chiến đẫm máu Bakhmut vào tháng 5 năm ngoái.

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 93 Kholodny Yar theo dõi bầu trời ở vùng Donetsk, ngày 20 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AFP

Theo nguồn tin cấp cao của Ukraine, kể từ thất bại trong cuộc phản công mùa hè năm ngoái của Kiev khiến ông Valerii Zaluzhnyi mất chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, không còn thời gian cho các cuộc diễn tập lớn nhằm tìm ra kẽ hở trong chiến lược của Nga.

"Chúng tôi đã chuyển từ chiến dịch tấn công sang phòng thủ", tân Tổng tư lệnh quân đội nước này, Tướng Oleksandr Syrsky, thừa nhận trong cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 13/2.

Thật khó để đưa ra lựa chọn khác cho quân đội Ukraine. Trong nhiều tháng, Kiev đã phải đối mặt với tuyến phòng thủ kiên cố của Nga gồm các chiến hào, trụ bê tông và bãi mìn kéo dài từ 15 đến 20 km, ngăn không cho bất kỳ phương tiện bọc thép nào xuyên qua.

"Sự thay đổi lãnh đạo đòi hỏi các lực lượng vũ trang Ukraine phải dành thời gian tổ chức lại, định hướng lại cơ cấu, hành động để phù hợp với kế hoạch của Tổng tư lệnh mới. Quay trở lại chiến lược phòng thủ hơn trong thời gian ngắn có thể giúp đạt được sự tái tổ chức này", Nicolo Fasola, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga tại Đại học Bologna (Ý), cho biết.

Ông Guillaume Lasconjarias, một nhà sử học quân sự và giảng viên tại Đại học Sorbonne của Pháp, lưu ý: "Mùa hè năm 2023 đánh dấu bước ngoặt sau khi Ukraine giành lại được một số vùng lãnh thổ từng bị Nga chiếm đóng. Các tuyến phòng thủ sâu của Nga đã làm kiệt sức cuộc phản công của Ukraine. Lực lượng Nga vẫn còn những kẽ hở và vấn đề về chỉ huy, nhưng họ học hỏi rất nhanh và không bao giờ nên đánh giá thấp khả năng thích ứng của họ".

Cuộc khủng hoảng đạn dược

Tại chiến trường Ukraine, việc sử dụng ồ ạt máy bay không người lái cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động tấn công. Những "con mắt" này được bố trí dọc theo chiến tuyến của cả hai bên, khiến chiến trường giờ đây gần như có thể nhìn xuyên thấu, dẫn đến việc các cuộc tấn công bất ngờ trở nên lỗi thời và không còn phù hợp.

Kết quả, chiến tuyến rơi vào thế bế tắc và dường như không bên nào có thể khuất phục được đối thủ. Vào tháng 11 năm ngoái, ông Zaluzhnyi thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn: "Như trong Thế chiến thứ nhất, chúng ta đã đạt đến trình độ công nghệ đến mức chúng ta thấy mình đang đi vào ngõ cụt".

Một quân nhân Ukraine vác một quả đạn pháo. Ảnh: Reuters

Tình trạng thiếu đạn dược đáng báo động cũng buộc Kiev phải có lập trường thận trọng hơn. Trong cuộc xung đột này, hàng trăm nghìn quả đạn pháo được mỗi đội quân bắn ra mỗi tháng. Theo các chuyên gia quân sự, "tỷ lệ bắn" - thước đo sự khác biệt về tốc độ bắn pháo giữa kẻ thù - hiện là 1/10 nghiêng về Nga.

"Quân Nga vẫn luôn có lợi thế hơn về khối lượng hỏa lực", ông Lasconjarias giải thích. "Trong truyền thống quân sự Nga - Liên Xô, pháo binh là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc định hình chiến trường. Đối mặt với loại pháo lớn và đa dạng này, quân Ukraine có những khẩu pháo chính xác hơn, chẳng hạn như Caesar của Pháp hay M777 của Mỹ. Nhưng họ có hai vấn đề: phải di chuyển thường xuyên hơn để tránh bị tiêu diệt, và do thiếu đạn, họ chỉ có thể bắn trả khi chắc chắn rằng có thể bắn trúng mục tiêu".

Trong khi đó, theo ông Fasola, nguồn lực của Ukraine ngày càng hạn chế. Hầu hết các thiết bị phức tạp viện trợ cho Kiev đều chưa được sử dụng hiệu quả. Lực lượng vũ trang Ukraine khó có thể sử dụng những nguồn lực này một cách hiệu quả như quân đội phương Tây do thiếu huấn luyện chuyên sâu.

Binh lính thiệt mạng, lực lượng ngày càng mỏng

Cùng với kho đạn dược ngày càng thiếu thốn do nguồn viện trợ từ Mỹ bị gián đoán, lực lượng nhân sự sụt giảm cũng là một trong những vấn đề lớn khác của quân đội Ukraine. Theo một tài liệu được giải mật gửi tới Quốc hội Mỹ, Kiev đã phải chịu thiệt hại ước tính khoảng 70.000 người chết và 120.000 người bị thương trong 2 năm quá, dù con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

"Do đó trong năm 2024, thách thức cho Ukraine là khôi phục lại tinh thần và thể lực của các lữ đoàn đang kiệt sức. Bên cạnh đó, Ukraine cũng cần huy động những binh lính mới, đào tạo và đưa họ ra mặt trận. Điều này đặt ra câu hỏi về sự chấp nhận liên tục của công chúng đối với cuộc xung đột", ông Lasconjarias nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề, Quốc hội Ukraine vào tháng Hai đã tán thành một dự thảo luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển quân. Dự thảo này đã gây ra một cuộc tranh cãi trong công chúng vào thời điểm mà xung đột đang bế tắc, sự trì trệ trên mặt trận và sự bất ổn về hỗ trợ từ phương Tây.

Những vấn đề trên không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của cả quân đội mà còn khiến người dân sợ nhập ngũ sẽ là "tấm vé một đi không trở lại". Ông Zelenskyy sẽ phải tìm cách thoát khỏi giai đoạn đi xuống này để bảo vệ sự đoàn kết dân tộc, điều thường được các đối tác phương Tây của ông ca ngợi.

Chiến lược và mục tiêu sắp tới

Trong thời gian củng cố lại tiềm năng tấn công, quân đội Ukraine trong những tháng tới sẽ cố gắng bảo toàn lực lượng và đạn dược. Ngoài việc giữ thế phòng thủ, Ukraine có thể sẽ tiếp tục các cuộc phản công chớp nhoáng và đi sâu vào cơ sở hạ tầng hậu cần, đặc biệt là ở các khu vực biên giới Bryansk và Belgorod của Nga, cũng như ở Bán đảo Crimea, với hy vọng làm suy yếu và gây rối hệ thống quân sự của Nga.

Mục tiêu chính của Kiev vẫn không thay đổi: Giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập hoặc chiếm đóng, rơi vào khoảng từ 17 đến 18% lãnh thổ Ukraine.

Một quân nhân Ukraine bị thương nặng đến điểm sơ tán sau khi được đưa khỏi Avdiivka vào ngày 20 tháng 2 năm 2024. Ảnh: Narciso Contreras

Theo các nhà phân tích, chỉ có sự hỗ trợ ngày càng tăng từ phương Tây mới có thể giúp quân của tân Tổng tư lệnh Oleksandr Syrsky tiến lên một lần nữa. Song, một kịch bản như vậy vẫn còn mơ hồ khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về gói viện trợ 60 tỷ USD, gói viện trợ lớn có thể là cuối cùng cho Ukraine trước khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử vào tháng 11/2024.

Nhà nghiên cứu Andrea Kendall-Taylor tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho biết Moscow và Kiev đang "chạy đua để củng cố lại năng lực tấn công của mình. Nếu phương Tây không tung ra thêm các quỹ viện trợ, nếu Nga tiếp tục chiếm thế thượng phong, Moscow sẽ có cơ hội đạt được nhiều bước tiến hơn".

Dẫu vậy, theo các chuyên gia, Nga có thể tiếp tục cung cấp lực lượng và thiết bị ra tiền tuyến trong suốt cả năm, nhưng khó đạt được lợi ích hay lợi thế mang tính bước ngoặt nào, ít nhất là trong ngắn hạn.

Fasola dự đoán: "Tiền tuyến khó có thể thay đổi hoàn toàn. Trong vài tháng tới, Nga sẽ tiếp tục bào mòn dần quyền kiểm soát tiền tuyến của Ukraine... Tôi đoán rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục giống như ngày nay, như một cuộc chiến tiêu hao chậm nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục có lợi cho Nga".

Hoài Phương (theo France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chien-su-nga--ukraine-tron-2-nam-kiev-chuyen-tu-tan-cong-sang-phong-thu-post285629.html