“Chiến kê” giá nghìn đô

(CATP) Vài năm qua, người dân ở tổ 4 và 5, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đổ xô kinh doanh gà chọi. Điều đặc biệt là người nuôi ở nơi này không tổ chức tỷ thí mà chỉ bán để lấy tiền cải thiện cuộc sống nghèo khó. Giá gà chiến được gọi là “quỷ kê”, có con lên tới vài chục triệu đồng.

Một con gà đá LUYỆN CHIẾN BINH Đi lòng vòng trong xóm nhỏ ở sườn núi Cậu, chúng tôi thấy nhà nào cũng nuôi gà. Chỉ những lồng sắt, ông Nguyễn Văn Hương - tổ trưởng, thâm niên 20 năm trong nghề - cho biết, gà chọi phải nuôi suốt một năm mới ra “thành phẩm”. Gà đá giỏi do di truyền, nên phải chọn lựa con mái và con trống dữ dằn nhất trong bầy, cho lai giống để “ra” con hay. Vì là gà chinh chiến nên chỉ cho nó ăn lúa, không cho ăn gạo vì sợ mập, tuyệt đối “cữ” chuyện đạp mái. Gà chiến sau hơn một năm “luyện công” được đưa ra chọi thử với nhau. Con nào đá thắng lại có hình dáng “đầu công, mình cốc, cánh vỏ chai” thì đạt chuẩn. Chọn ra được gà tốt, nặng cỡ hai ký chủ gà sẽ lắp cựa sắt dài tám phân vào chân. Khi giao đấu, nếu “vũ khí” này đâm trúng vào yết hầu của địch thủ thì chủ nhân của “chiến binh” sẽ thắng trận. Ngồi bên cạnh ông Hương, anh Nguyễn Văn Nhân chuyên sống bằng nghề nuôi gà chọi nói, trong giới đá gà, con nào không có cựa thì chủ nhân cho chơi theo kiểu đá đòn bằng cách cạo đầu trọc. Vì không có lông bao phủ nên khi bại trận, chúng sẽ bị sưng đầu, người đầy máu me. Người chơi lúc đó phải dừng cuộc chơi mang gà về dưỡng thương. Với gà có cựa khi giao đấu, trọng tài sẽ đếm ba tiếng, chủ nhân thả chúng ra giao đấu nhiều hiệp, đến khi tìm được con thắng cuộc. Các tay chơi kì cựu cho biết, một hiệp đấu ở trong Nam kéo dài 20 phút, ngoài Bắc thì 15 phút. Sau khi “xổ” (chọi) 5-7 lần, mỗi lần 15-20 phút thì vào nghệ (mài nghệ hòa với rượu) đắp lên thân gà rồi phơi nắng. ĐỒNG TIỀN VÀ NƯỚC MẮT Sáng hôm sau, chúng tôi theo chân người dân trong xóm bỏ gà vào giỏ, mang đi chào hàng ở tận huyện Bến Cát, Bình Dương. Trong một quán cà phê, hàng chục thương lái đang chờ đợi xem hàng để ngã giá. Anh Nhân đưa hai “chiến kê”, một con có đuôi dài và một con đuôi ngắn ra cho khách xem. Tranh thủ lúc mọi người coi gà, anh Nhân giải thích, luật đá gà tùy theo vùng miền. Vùng này thường chơi theo kiểu đá knock - out trong một “hồ”. Con nào bị đo ván nằm tại sàn, hoặc bỏ chạy thì phía còn lại được tuyên thắng trận. Thương lái tên Thành, thường chọn gà hay để mua, ra điều kiện với Nhân: “Cho hai con đá thử, con nào thắng, qua mua liền!”. Nói xong, Thành thả chúng ra. Hàng chục người dán mắt vào cặp gà hò reo sôi nổi. Con đuôi dài tên Bi có đôi mắt long sòng sọc, cứ xông đến đá vào “người anh em” đuôi ngắn tên Mẹc. Con Mẹc thấy đối thủ quá mạnh nên áp sát đối phương để tránh đòn. Con Bi sôi máu, tìm cách giãn ra rồi tung thẳng cựa vào đối phương. Bị bất ngờ, con Mẹc dính cựa ngay yết hầu, ngã lăn đùng ra đất. Thành hớn hở tiến đến, ôm con Bi vào lòng, rút tiền đếm xoèn xoẹt đưa cho Nhân 30 triệu đồng. Nhân tiếc nuối nhìn người mua chở con Bi ra khỏi quán. Anh ra giữa sân xi măng, ôm con Mẹc thân cứng đơ, khóe mắt anh ươn ướt. Từ vài hộ nuôi gà chọi đầu tiên, những người dân Định Thành đã chỉ nhau cách nuôi gà đá để thoát nghèo. Từ tiền bán gà, họ cho con ăn học hoặc mua được tivi, xe máy. Đá gà là một trò chơi dân gian nhưng các tay cá độ máu me đang biến môn giải trí này thành một sới bạc để ăn thua đủ. Nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa vì có người thân trót sa chân vào kiếp đỏ đen. “Vì biết thân phận nghèo khó nên xóm tui không có ai chơi cả, họ chỉ bán gà để kiếm sống thôi” – bà Nguyễn Thị Hồng tâm sự.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=191537&mod=detnews&p=