Chiêm ngưỡng ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' được đại gia Bắc Ninh đưa về

Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' sau khi hồi hương từ Pháp về Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Sáng 22/11, ông Nguyễn Thế Hồng, người đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn vàng của vua Minh Mạng từ nhà đấu giá Pháp, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam vẫn không hết xúc động, vui mừng vì đã mang được bảo vật hồi hương một cách trọn vẹn.

Hiện ấn vàng Hoàng đế chi bảo được cất giữ ở Bảo tàng Nam Hồng (TP. Từ Sơn, Bắc Ninh). Bảo vật bày trong tủ kính được làm riêng, đặt trên kệ gỗ là đồ thời Nguyễn do ông Hồng mua lại từ một nhà sưu tập.

"Ấn vàng được trưng bày tại tầng 5 của tòa nhà, muốn lên phải di chuyển bằng thang máy, có camera và 4-5 bảo vệ túc trực 24/24h. Nơi này vẫn chưa mở cửa cho mọi người, chỉ đón tiếp khách quen, các chuyên gia về văn hóa đến chiêm ngưỡng", ông Hồng cho biết.

Ông Nguyễn Thế Hồng cùng ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo'.

Nhà sưu tập Nguyễn Thế Hồng cũng như nhiều người sưu tầm đồ cổ rất vui khi được các cơ quan, ban ngành, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng hỗ trợ để sở hữu ấn vàng Hoàng đế chi bảo và hồi hương về Việt Nam an toàn.

“Tôi rất tự hào về các di sản văn hóa của dân tộc mình, chính vì thế có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ, phát huy giá trị của di sản. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay, tôi hy vọng ngoài ấn vàng Hoàng đế chi bảo, sẽ còn nhiều di sản quý báu khác tiếp tục được hồi hương về Việt Nam, làm giàu thêm cho kho tàng di sản của dân tộc", ông Hồng cho biết.

Theo ông Hồng, sắp tới Bộ VHTT&DL sẽ có một buổi lễ long trọng để công nhận ấn vàng là Bảo vật quốc gia.

Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' là tên gọi Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841).

Về sự kiện đúc chiếc ấn này, sách Đại Nam thực lực (tập 6, bản dịch của Viện Sử học, NXB KHXH, 1963.trang 146) ghi khá rõ: “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế Chi Bảo, nuốm (núm) làm rồng cuốn 2 tổng, vuông 3 tắc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 280 lượng 9 đồng 2 phân”. Quy đổi ra hệ thống đo lường hiện nay, ấn được xác định có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 12,8cm, dày 2cm.

Chiếc ấn được chạm trổ tinh xảo.

Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của Hoàng đế).

Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Ninh cho biết, ông Nguyễn Thế Hồng là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, có niềm đam mê lớn với các giá trị di sản văn hóa.

"Đây là dấu mốc lịch sử của ngành văn hóa khi lần đầu tiên đàm phán thành công để hồi hương di sản cho đất nước. Điều này rất quan trọng và cũng là tiền đề giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế về vấn đề hồi hương cổ vật trong tương lai", ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Ninh cho biết.

Ấn vàng đang được trưng bày tại bảo tàng riêng của ông Hồng ở Bắc Ninh.

Cũng theo ông Đáp, ấn vàng khi về Việt Nam hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với cổ vật này và đề nghị chủ sở hữu hiện vật có chế độ bảo quản đặc biệt.

Ngoài ấn vàng Hoàng đế chi bảo, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng còn trưng bày nhiều cổ vật như Bình vôi vàng thời vua Mạc Mậu Hợp thời kỳ Sùng Khang năm 1566 – 1577, Bảo vật quốc gia Thạp đồng văn hóa Đông Sơn.

Hai chiếc bát vàng của vua Khải Định được trưng bày trong tủ kính, ở giữa là bình đựng vôi bằng vàng thời nhà Mạc.

Ông Nguyễn Thế Hồng, 62 tuổi, là doanh nhân xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh. Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang lưu giữ 5.000 hiện vật nghệ thuật, lịch sử thuộc nhiều thời kỳ, trong đó có bộ trống đồng Đông Sơn, gốm, sứ Việt Nam thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng từng được Nhà nước công nhận là một trong số đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật là "bảo vật quốc gia".

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/an-vang-hoang-de-chi-bao-duoc-dai-gia-bac-ninh-chi-hon-153-ty-dong-dua-ve-2217686.html