'Chiếc hộp Pandora' nguy hiểm

'Chảo lửa' Trung Đông đang ngày càng nóng rực sau khi Mỹ thực hiện cuộc không kích ở thủ đô Baghdad của Iraq khiến Thiếu tướng Qassem Soleimani-Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng ngày 3-1. Động thái của Washington có thể là 'giọt nước tràn ly' đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột quân sự trực diện.

Tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Iran vốn không phải là chuyện mới. Mặc dù vậy, phải thẳng thắn thừa nhận rằng căng thẳng giữa siêu cường số 1 thế giới và nước Cộng hòa Hồi giáo này đã có phần hòa dịu sau khi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức). Còn nhớ thời điểm ấy, toàn thế giới đã hân hoan xem việc ký kết JCPOA là một minh chứng cho thấy căng thẳng và đối đầu có thể được hóa giải bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang". Kể từ khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu với việc Washington “xé toạc” JCPOA, đồng thời thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Tehran.

Xe ô tô bốc cháy sau vụ không kích do Mỹ tiến hành tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 3-1-2020. Ảnh: TTXVN

Cuộc không kích ngày 3-1 vừa qua đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Iran sau hàng loạt sự cố ở vùng Vịnh như bắt tàu chở dầu, Nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công hay các máy bay không người lái (UAV) bị bắn hạ trên eo biển Hormuz. Sở dĩ nói như vậy là bởi trong suốt thời gian qua, chính sách “gây sức ép tối đa” của Mỹ đối với Iran chủ yếu vẫn dừng lại ở “ma trận” các biện pháp trừng phạt. Với cáo buộc Thiếu tướng Qassem Soleimani đã “lên kế hoạch” cho các vụ tấn công nhằm vào các căn cứ của liên minh quân sự tại Iraq trong những tháng vừa qua, cũng như “thông qua” vụ tấn công mới đây nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, Lầu Năm Góc tiến hành cuộc không kích nhằm “ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai và bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài”.

Vấn đề đặt ra là tại sao Tổng thống Donald Trump lại chọn thời điểm này, thay vì sớm hay muộn hơn để chỉ thị cho Lầu Năm Góc thực hiện “những gì đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu rồi”?

Cần phải lưu ý rằng, cuộc không kích diễn ra vào thời điểm năm mới 2020, khi ông Donald Trump bước vào chiến dịch tái tranh cử Tổng thống. Với lý do “không bao giờ do dự bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ”, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ dường như đang muốn thể hiện hình ảnh là một nhà lãnh đạo sẵn sàng hành động cứng rắn vì mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết”. Ngoài ra, không loại trừ động thái quân sự của Washington còn nhằm gây sức ép buộc Tehran phải đàm phán lại JCPOA vốn vẫn bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích là thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử xứ cờ hoa. Bởi, ngay sau cuộc không kích khiến Thiếu tướng Qassem Soleimani thiệt mạng, ông chủ Nhà Trắng đã viết trên trang mạng xã hội Twitter rằng: “Iran chưa bao giờ thắng một cuộc chiến tranh, nhưng chưa bao giờ thua một cuộc đàm phán!”. Vì lẽ đó, cũng không có gì là khó hiểu khi người ta cho rằng ông Donald Trump đang muốn sử dụng vấn đề Iran để thu hút phiếu bầu cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Đó là còn chưa kể tới một thực tế rằng Tổng thống Donald Trump sắp phải đối mặt với một cuộc xét xử luận tội tại Thượng viện Mỹ. Người ta không khỏi hoài nghi phải chăng ông chủ Nhà Trắng đang tìm cách lái sự chú ý của dư luận từ cuộc xét xử luận tội sang cuộc đối đầu với Iran?!

Cuộc không kích của Mỹ dù nhằm mục đích gì cũng đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế khi nhiều nước xem hành động của Mỹ là vi phạm chủ quyền của Iraq, đồng thời có nguy cơ “đổ thêm dầu” vào “chảo lửa” Trung Đông. Cái chết của ông Qassem Soleimani-vốn vẫn bị Washington xem là cái gai trong mắt, không đơn thuần là Iran tổn thất một vị tướng chiến trường mà còn hơn thế, bởi ông được xem là nhân vật quyền lực số 2 tại nước Cộng hòa Hồi giáo, được ví là “liệt sĩ sống của cuộc cách mạng”, đại diện cho niềm tự hào dân tộc và khả năng chống cự của Iran trước sức ép của Mỹ trong 4 thập niên qua. Vì lẽ đó, cho dù Tổng thống Donald Trump có tuyên bố rằng cuộc không kích “tiêu diệt” Thiếu tướng Qassem Soleimani “không nhằm khơi mào một cuộc chiến” và Mỹ “không tìm cách thay đổi chế độ tại Iran”, Tehran cũng không bao giờ tin vào hành động “vừa đấm vừa xoa” ấy. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã tuyên bố “đòn trả đũa tàn khốc đang chờ đợi” Mỹ trong khi Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran cam kết sẽ đáp trả “đúng chỗ và đúng thời điểm”.

Mỹ và Iran đang đứng trước nguy cơ lâm vào một cuộc đối đầu quân sự trực diện sau khi Washington “tự giẫm lên một quả mìn để chữa cơn đau đầu” như lời của một nhà phân tích. Đây chắc hẳn là kịch bản không ai mong muốn, kể cả với Mỹ. Tổng thống Donald Trump từng cam kết “đưa lính Mỹ về nhà” và chấm dứt các cuộc chiến tranh “không có hồi kết” ở Trung Đông. Bởi vậy, việc Mỹ lâm vào một cuộc chiến hao người tốn của khác tại đây cũng sẽ đồng nghĩa “gậy ông đập lưng ông” đối với ông chủ Nhà Trắng. Đây là thời điểm các bên cần kiềm chế ở mức tối đa. Thế giới không cần và không bao giờ mong muốn một “chiếc hộp Pandora" nào nữa được mở ra, nhất là ở nơi được mệnh danh là “thùng thuốc súng” như Trung Đông.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/chiec-hop-pandora-nguy-hiem-606979