Chia sẻ kinh nghiệm về xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam

Ngày 15-12, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Công ty cổ phần kim loại JX (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo 'Hiện trạng chất thải điện tử và các giải pháp đầu tư dự án xử lý, tái chế'.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết: Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 cùng sự đổi mới sáng tạo công nghệ đã khiến việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thay đổi các sản phẩm điện, điện tử ngày càng cao dẫn đến gia tăng lượng lớn rác điện tử. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh, tạo áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.

Theo ông Vũ Minh Lý, việc tái chế chất thải điện tử theo mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này. Điều này cũng đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với các loại chất thải điện tử. Do vậy, việc thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại, tái chế, nhất là tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các sản phẩm tái chế, tái sử dụng là những giải pháp đầu tiên để thực hiện hiệu quả tái chế chất thải điện tử theo kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ông Yutaka Yasuda - Giám đốc Công ty cổ phần kim loại JX Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về hiện trạng phát sinh và xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam; các quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải điện tử theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý chất thải điện tử; tiềm năng và giải pháp thực hiện xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý, tái chế rác thải điện tử, ông Yutaka Yasuda - Giám đốc Công ty cổ phần Kim loại JX Nhật Bản cho biết: Ở Nhật Bản, công tác phân loại và thu gom chất thải tại nguồn được tiến hành chặt chẽ. Chất thải điện tử, thiết bị cũ sẽ do các hãng sản xuất chịu trách nhiệm xử lý.

Theo ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ (gọi tắt là EPR). Theo đó, quy định, các loại chất thải điện, điện tử như: Máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động... thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, áp dụng từ ngày 1-1-2025.

Về hiện trạng phát sinh chất thải điện tử, ông Nguyễn Đức Quảng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cho biết: Riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử, với mức bình quân 2,7kg/người. Cùng với đó, thống kê từ Viện cũng chỉ ra, hiện mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải tivi có thể lên tới 250.000 tấn.

Bên cạnh đó, để phục vụ hệ thống EPR tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Quảng đề xuất cần đưa hệ thống thu gom tư nhân vào các hoạt động của EPR; điều chỉnh quy định pháp luật (tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế, định mức tái chế) kịp với thời điểm ban hành các quy định liên quan; phát triển các cơ sở tháo dỡ, phân loại chất thải điện tử chính quy...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chia-se-kinh-nghiem-ve-xu-ly-chat-thai-dien-tu-tai-viet-nam-653091.html