Chi Lăng: Đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tòa ánTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)
Thời gian qua, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác tòa án và được TAND tỉnh đánh giá là đơn vị đi đầu trong hoạt động này trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7/2022, TAND huyện Chi Lăng đã tổ chức được 3 phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33, ngày 12/11/2021 của Quốc hội, xét xử 3 bị cáo với các tội danh khác nhau. Đáng chú ý, đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên và hiện là duy nhất trong tỉnh tổ chức được phiên tòa theo hình thức này. Qua theo dõi các phiên tòa trực tuyến, chúng tôi thấy đường truyền ổn định, hệ thống màn hình, âm thanh rõ ràng; trình tự, nội dung diễn ra như phiên tòa trực tiếp.

Cán bộ TAND huyện Chi Lăng và VNPT Chi Lăng phối hợp chuẩn bị các điều kiện cho phiên tòa trực tuyến
Để hiệu quả, TAND huyện Chi Lăng đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện. Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng đại diện Viễn thông VNPT tại huyện Chi Lăng, Giám đốc Phòng bán hàng Vinaphone Chi Lăng cho biết: Để phiên tòa trực tuyến diễn ra thành công, chúng tôi đã phối hợp với TAND huyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bố trí cán bộ kỹ thuật trực ở các điểm cầu đảm bảo đường truyền ổn định, thông suốt trong quá trình diễn ra phiên tòa. Qua đó, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Không chỉ trong công tác xét xử, thời gian qua, TAND huyện Chi Lăng còn ứng dụng CNTT vào nhiều hoạt động của tòa án. Trong đó, có thể kể đến việc tích cực công bố bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa án (thực hiện từ năm 2017). Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã công bố 47 bản án, quyết định có hiệu lực lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Cùng đó, ứng dụng phần mềm hệ thống giám sát hoạt động của tòa án và phần mềm “trợ lý ảo” trên mạng internet (thực hiện từ đầu năm 2022 đến nay).
Đối với phần mềm “trợ lý ảo”, các thẩm phán có thể truy cập và tham khảo các thông tin, các tình huống để xây dựng hồ sơ cũng như phục vụ công tác xét xử. Từ đầu năm 2022 đến nay, các thẩm phán trong đơn vị đã nêu và được giải đáp trên 10 câu hỏi, tham khảo nhiều tình huống thông qua “trợ lý ảo” phục vụ công tác tòa án nói chung, xét xử nói riêng, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án tại đơn vị. Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, TAND huyện đã giải quyết 86/115 vụ án các loại, đạt 75%; trong đó có 31 vụ án hình sự, 14 án dân sự và 31 án hôn nhân và gia đình.
Bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng cho biết: Từ khi ứng dụng CNTT vào công tác tòa án nói chung, công tác xét xử nói riêng đã nâng cao hiệu quả công việc so với trước đây (khi đơn vị chưa áp dụng). Cụ thể như các bản án, quyết định có hiệu lực thì chúng tôi công khai trên hệ thống cổng thông tin điện tử của tòa án, đảm bảo công khai, minh bạch. Thông qua sử dụng phần mềm hệ thống giám sát hoạt động của tòa án đã giúp tiến độ, chất lượng giải quyết án được nâng lên. Đặc biệt là đơn vị đã tham mưu, phối hợp tổ chức thành công một số phiên tòa trực tuyến. Ưu điểm của hình thức xét xử này là không mất thời gian dẫn giải bị cáo và đảm bảo an ninh, an toàn hơn do điểm cầu thành phần là nơi đang giam giữ bị cáo.
Có thể khẳng định, nhờ sự chủ động và ứng dụng hiệu quả CNTT vào công tác tòa án, thời gian qua, TAND huyện Chi Lăng đã góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động của tòa án, hòa chung với công cuộc chuyển đổi số của TAND 2 cấp trong tỉnh, cũng như các cấp, ngành trên địa bàn.