Chém người yêu cũ trong ngày cưới: hành vi cố ý gây thương tích hay giết người?

Luật sư đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý về hành vi của nghi phạm Đoàn Hữu Dũng bị cáo buộc đến đám cưới người yêu cũ chém cô dâu nhiều nhát khiến nạn nhân bị thương nặng.

Nghi phạm Đoàn Hữu Dũng bị tạm giữ ngay sau khi dùng dao chém người yêu cũ ngay tại đám cưới. Ảnh: CQCA

Lãnh đạo Công an huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) cho biết, CQ CSĐT Công an huyện đang tạm giữ hình sự đối với Đoàn Hữu Dũng (SN 1995, trú thôn Nam Cường, xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) để tiếp tục điều tra hành vi dùng dao chém nhiều nhát lên người chị H.T.H. (SN 2000, trú thôn Minh Châu, xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Hiện tại, CQCA đã tạm giữ hình sự đối tượng, sau khi có kết quả giám định thương tích của nạn nhân sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo trình tự, quy định của pháp luật.

Hiện nạn nhân là chị H. đang được theo dõi, chăm sóc tích cực tại BVĐK tỉnh Thái Bình, tâm trạng vẫn còn khá hoảng sợ và suy sụp.

Trước đó, khoảng 7h45 ngày 24/12, tại đám cưới nhà chị H.T.H., đối tượng Đoàn Hữu Dũng đã đến đám cưới cầm dao, chém chị H.. Hậu quả, chị H. bị chém 3 nhát vào vùng mặt và 1 nhát ở phần bụng.

Lãnh đạo UBND xã Đông Quan xác nhận, chị H., người bị chém là cô dâu đang được gia đình tổ chức đám cưới, chuẩn bị đợi nhà trai đến rước dâu vào trưa cùng ngày.

Theo người dân sống gần khu vực, đối tượng Dũng là người yêu cũ của chị H. nên hôm gia đình tổ chức đám cưới, Dũng đã đến đây. Thời điểm đó, cô dâu đang đi ra ngoài đường thì bị chém. Hiện đối tượng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ ngay sau đó.

Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Đông Hưng, Công an xã Đông Quan khẩn trương có mặt tại hiện trường, bắt giữ khẩn cấp Dũng đưa về trụ sở làm việc, đồng thời phối hợp với gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện. Đám cưới của nạn nhân phải tạm hoãn tổ chức.

Hiện vụ việc vẫn đang khẩn trương được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, CQĐT sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng khi thực hành hành vi nguy hiểm cho xã hội, đánh giá hậu quả xảy ra đối với nạn nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng nạn nhân hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người, CQĐT có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng về tội "Giết người” theo quy định tại Điều 123, BLHS năm 2015.

Theo luật sư Thái, để làm rõ hành vi của đối tượng là cố ý gây thương tích hay giết người, CQĐT sẽ làm rõ tư thế thực hiện hành vi chém người, vị trí mà đối tượng này hướng đến, khả năng chống cự của nạn nhân, khả năng sát thương của hung khí, mức độ thương tích và hậu quả có thể xảy ra để xác định hành vi này có thể dẫn đến chết người hay không làm cơ sở xác định tội danh sẽ xử lý đối với đối tượng.

Về mặt lý luận, tội “Giết người” là tội danh có cấu thành hình thức, đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng trái pháp luật của người khác là bị xử lý về tội danh này, không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không.

Theo quy định của pháp luật khi thực hiện hành vi nguy hiểm, có thể trước đoạt tính mạng của người khác, trong đó có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra (nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời, nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng gây án), đây là hành vi giết người, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người” mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không.

Còn trường hợp nếu không có đủ căn cứ để xử lý đối tượng về tội “Giết người”, CQĐT có thể xử lý đối tượng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo đó, Điều 134, BLHS năm 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cũng theo luật sư Thái, trong vụ việc này nếu đối tượng bị xử lý về tội "Giết người” thì rơi vào trường hợp phạm tội chưa đạt. Tức là nghi phạm cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội được quy định Điều 15, BLHS năm 2015. Theo đó, nếu người có hành vi phạm tội giết người chưa đạt thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm, nếu thuộc khoản 2 Điều 15 của Bộ luật này thì mức phạt không quá ba phần tư của 7 đến 15 năm tù.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, nghi phạm trong vụ án sẽ phải thanh toán các khoản: Chi phí cứu chữa nạn nhân và tiền bồi thường tổn thất về tinh; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ căn cứ vào những thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định nêu trên, đồng thời cũng phụ thuộc vào năng lực bồi thường của nghi phạm gây án.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chem-nguoi-yeu-cu-trong-ngay-cuoi-hanh-vi-co-y-gay-thuong-tich-hay-giet-nguoi-365032.html