Cháy rừng ở Mỹ còn diễn biến phức tạp

Cảnh báo tình huống đặc biệt nguy hiểm một lần nữa có hiệu lực đối với các khu vực của 2 quận Los Angeles và Ventura, bang California, Mỹ bắt đầu từ 3 giờ sáng ngày 15-1 (giờ địa phương) đến 3 giờ sáng hôm sau.

Tính đến ngày 15-1, tức là chưa đầy một tuần, cháy rừng ở phía Nam bang Califonia đã thiêu rụi hơn 160km2 cây và bụi cỏ, gấp khoảng 3 lần diện tích của Manhattan, làm ít nhất 25 người chết, 13 người mất tích, hơn 180.000 người phải sơ tán, hơn 12.000 công trình đã bị phá hủy hoặc hư hại. Tổng diện tích đám cháy đã được khống chế 35%, tăng so với mức 33% vào sáng 13-1.

 Công viên thiếu nhi ở Los Angeles bị lửa thiêu rụi. Ảnh: CBS

Công viên thiếu nhi ở Los Angeles bị lửa thiêu rụi. Ảnh: CBS

Đám cháy Eaton là đám cháy có sức tàn phá cao nhất ở Nam California, thiêu rụi hơn 7.000 công trình làm chết 17 người. Đám cháy Palisades có sức tàn phá lớn thứ hai với 5.000 công trình bị thiêu rụi và làm ít nhất 8 người chết. Đại úy Erik Scott, Sở Cứu hỏa Los Angeles, cho rằng đây là thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất ở khu vực Los Angeles trong 20 năm qua. Sở Cứu hỏa Los Angeles đã quyết định ngừng triển khai khẩn cấp khoảng 1.000 lính chữa cháy và hàng chục xe chở nước do cảnh báo bất thường về gió mạnh đe dọa tính mạng lính chữa cháy.

Trong khi đó, gió ở Santa Ana tiếp tục mạnh làm dấy lên nỗi sợ về các vụ cháy rừng bùng phát trở lại trên khắp quận Los Angeles. Ông Alex Tardy, nhà khí tượng học tại Văn phòng dịch vụ thời tiết ở San Diego cảnh báo, tuần tới sẽ có một đợt gió mạnh khác, cụ thể từ đêm chủ nhật (19-1) đến thứ tư (22-1). Các quan chức y tế cũng cảnh báo về một mối đe dọa khác do gió gây ra, là tro và bụi từ các khu vực đang cháy và đã cháy gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Khu vực 17 triệu dân ở Los Angeles được khuyến cáo đeo khẩu trang phù hợp để hạn chế các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Theo truyền thông Mỹ, hiện có 3 nguyên nhân làm bộc phát cháy rừng: pháo hoa đêm giao thừa 2024-2025, chập điện, người dân cố ý đốt. Riêng về nguyên nhân chập điện, hiện tại đã có 4 luật sư chuẩn bị nộp đơn kiện công ty truyền tải điện Southern California Edison, cho rằng công ty này đã không ngắt điện kịp thời khi có những đợt gió cực mạnh và điện chập tạo ra 1 trong 2 đám cháy, dẫn đến cơn hỏa hoạn chưa từng có trong lịch sử Los Angeles nói trên.

Một nguyên nhân khác là do thiếu nước chữa cháy. Gia đình nữ tỷ phú Lynda Resnick sở hữu 60%-75% lượng nước ở California, đang phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến hoạt động quản lý nước, với cáo buộc vi phạm luật tiện ích công cộng. Ngoài ra, Sở Nước và Điện Los Angeles cũng bị nhiều người cáo buộc đã không sửa chữa kịp thời hồ chứa nước Santa Ynez gần 500.000m3 nước. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, việc sử dụng hóa chất hay nước biển để chữa cháy có thể làm đất đai bị nhiễm hóa chất hoặc nhiễm mặn.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu có tên gọi “Biến động thủy khí hậu trong môi trường Trái đất nóng lên” mới được công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm gia tăng cả điều kiện ẩm ướt và khô hạn cực đoan, tạo ra điều kiện lý tưởng cho các đám cháy khủng khiếp như ở Palisades và Eaton. Biến động này tạo ra một chu kỳ nguy hiểm khi thảm thực vật phong phú phát triển mạnh trong thời kỳ ẩm ướt trở thành nhiên liệu dễ cháy cao trong những đợt khô hạn tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chi phí tái thiết sau các vụ cháy rừng ở thành phố Los Angeles trong tuần qua sẽ lên đến hàng chục tỷ USD. Do áp lực về số tiền đền bù kếch xù, các công ty bảo hiểm tiếp tục rời khỏi bang California, bất chấp chính quyền bang cảnh báo không thể hủy hợp đồng bảo hiểm cho một số chủ nhà hiện tại ở Nam California. Theo tờ The New Yorker, thiệt hại từ những đám cháy rừng này hiện ước tính lên đến 150 tỷ USD, khiến tương lai của thị trường bảo hiểm California trở nên đầy bất ổn.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chay-rung-o-my-con-dien-bien-phuc-tap-post778020.html