Châu Âu và một năm dồn dập giông tố

Cùng trả lời các câu hỏi để biết bạn có nắm được những biến động đã xảy ra tại châu Âu trong năm 2017 đầy sóng gió?

Hôm 29/3, chính phủ Anh đã khởi động quá trình rút nước Anh ra khỏi tổ chức nào?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Liên minh châu Âu (EU)
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO)

London gửi thông báo kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, chính thức khởi động tiến trình rời EU của nước này hôm 29/3. Quyết định được đưa ra sau khi 51,9% cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6/2016. Một thỏa thuận chia tách giữa Anh và EU vừa đổ vỡ hôm 4/12 sau các bất đồng trong nội bộ nước Anh.

Bà Marine Le Pen, đối thủ của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 2, là lãnh đạo đảng nào?

Tiến bước
Xã hội
Mặt trận dân tộc
Cộng hòa

Marine Le Pen là chính trị gia lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận dân tộc. Với lời hứa tranh cử hạn chế nhập cư và hội nhập châu Âu, bà Le Pen giành được sự ủng hộ rộng rãi trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 ngày 23/4 với 21,3% số phiếu ủng hộ và tiến vào vòng 2. Chiến thắng của bà Le Pen tại vòng 1 đã gây ra nỗi sợ hãi về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại châu Âu. Bà Le Pen đã thất bại trước ông Emmanuel Macron, người hiện là đương kim tổng thống Pháp, tại vòng 2 hôm 7/5.

Vụ khủng bố ngày 22/5 trong buổi hòa nhạc của ca sĩ Ariana Grande xảy ra ở thành phố nào của nước Anh?

London
Liverpool
Manchester
Southampton

Vụ đánh bom tự sát hôm 22/5 xảy ra tại tiền sảnh bên ngoài hội trường Manchester Arena, thành phố Manchester, đã khiến 22 người thiệt mạng và 119 người bị thương. Kẻ tấn công là Salman Ramadan Abedi, một người Anh gốc Libya. Nhà chức trách châu Âu khẳng định Abedi có mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Vụ tấn công tại Barcelona hôm 17/8 đã diễn ra như thế nào?

Đánh bom tự sát
Xả súng
Đâm dao
Lao xe

Hôm 17/8, một chiếc xe lao vào đám đông trên phố Las Ramblas ở Barcelona, khiến 13 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã nhận trách nhiệm cho vụ khủng bố. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Tây Ban Nha sau vụ đánh bom ở thủ đô Madrid năm 2004 khiến 201 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương.

Quốc gia châu Âu nào sắp có vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới?

Áo
Bỉ
Đan Mạch
Hà Lan

Ông Sebastian Kurz, 31 tuổi, cùng đảng Nhân dân (OVP) chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Áo hôm 15/10. OVP hiện đàm phán với các đảng chính trị khác để tiến tới thành thành lập chính phủ liên minh. Chiến thắng của ông Kurz làm sống dậy nỗi lo của chính giới châu Âu, vốn mới tạm lắng sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào dân túy, chống nhập cư và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Cuộc tập trận tại châu Âu với sự tham gia của 13.500 binh sĩ khiến NATO lo ngại diễn ra giữa các quốc gia nào?

Nga và Belarus
Nga, Belarus và Moldova
Nga và Moldova
Nga, Moldova và Ba Lan

Nga và Belarus triển khai 13.500 binh sĩ trong cuộc tập trận Zapad 2017 từ 14 - 21/9. Cuộc tập trận diễn ra trên lãnh thổ Belarus, biển Baltic và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga. Các chỉ huy NATO lo ngại Nga sẽ không rút binh sĩ và khí tài quân sự khỏi Belarus sau khi cuộc tập trận kết thúc, đe dọa tới an ninh của các thành viên phía đông của khối. Moscow phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định binh sĩ Nga đã rút về nước từ ngày 30/9.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha nổ ra từ đầu tháng 10 liên quan tới yêu cầu độc lập của vùng lãnh thổ tự trị nào?

Valencia
Basque
Catalonia
Galicia

Phe ủng hộ ly khai, dưới sự lãnh đạo của thủ hiến Carles Puigdemont, đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10, châm ngòi cho bất ổn bùng phát tại Catalonia. Chính quyền Madrid sau đó đã đình chỉ quyền tự trị của Catalonia, giải tán chính quyền địa phương và tổ chức bầu cử trước thời hạn tại Catalonia. Ông Carles Puigdemont hiện lưu vong tại Bỉ.

Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) khiến châu Âu lo sợ bởi chính sách gì?

Ủng hộ chiến tranh, bài Do Thái
Bắt tay với Nga, Trung Quốc
Chống người nhập cư, chống Hồi giáo, hoài nghi châu Âu
Tất cả các chính sách trên

Với 13% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hôm 24/9, đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức hiện nắm 92 ghế tại quốc hội Đức. Đây là lần đầu tiên một đảng cực hữu hiện diện tại cơ quan quyền lực cao nhất của Đức từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thành lập năm 2013 với đường lối chống hội nhập vào EU, AfD đã nhanh chóng nêu cao "ngọn cờ" chống Hồi giáo và người nhập cư sau khi thủ tướng Angela Merkel thi hành chính sách mở cửa đón hơn 1 triệu người nhập cư vào Đức.

Duy Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chau-au-va-mot-nam-don-dap-giong-to-post802031.html