'Châu Âu sẽ sớm công bố phiên bản Vòm Sắt như Israel'
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông đang làm việc với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch xây dựng 'Lá chắn Bầu trời châu Âu' ( ESSI) - tương tự hệ thống phòng thủ tên lửa 'Vòm Sắt' (Irone Dome) của Israel.
“Việc tạo ra một Vòm Sắt chống lại tên lửa và các máy bay không người lái là cần thiết. Các cuộc tấn công gần đây vào Israel cho thấy những hệ thống như vậy có vai trò quan trọng như thế nào. Không có lý do gì để EU không có lá chắn phòng thủ tên lửa,” Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết trong cuộc họp báo ngày 20/5 với Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), theo RT.
Ông Tusk cho biết: “Hệ thống vệ tinh và trinh sát sẽ là một phần thiết yếu của dự án mà tôi sẽ trình bày cùng với các Thủ tướng châu Âu khác trong vài ngày tới”. Theo người đứng đầu chính phủ Warsaw, ý tưởng về phòng không toàn châu Âu “không phải một giấc mơ” mà là “kế hoạch thực tế, thiết thực”.
Thủ tướng Ba Lan cho biết Chính phủ nước này và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đã ký hợp đồng trị giá 300 triệu Euro (326 triệu USD) để tạo ra một hệ thống trinh sát. Hệ thống này có thể được tích hợp vào mạng lưới phòng thủ tên lửa chung trên toàn EU.
Theo Kyiv Independent, Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng Sáng kiến "Lá chắn Bầu trời Châu Âu" (ESSI) trên khắp châu Âu vào tháng 8/2022. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine, làm gia tăng lo ngại về khả năng phòng không còn nhiều hạn chế của châu Âu. Đến tháng 12/2022, ông Scholz bày tỏ hy vọng sáng kiến này sẽ được phát triển trong 5 năm tới.
Vào tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết Warsaw quan tâm đến việc tham gia ESSI – hiện bao gồm 21 quốc gia EU. Ba Lan dự kiến sẽ tham gia sáng kiến này vào cuối năm nay.
Trước khi đảng Nền tảng Công dân của Thủ tướng Tusk lên nắm quyền vào năm 2023, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) bảo thủ đã từ chối tham gia kế hoạch này. Tháng trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blasczak lập luận rằng ESSI “ủng hộ ngành công nghiệp vũ khí của Đức”, nhưng “đắt hơn nhiều và kém tiên tiến hơn nhiều” so với hệ thống phòng thủ hiện có của Ba Lan.
Theo Bộ Quốc phòng Đức, ESSI sẽ được trang bị bởi các hệ thống tên lửa Patriot tầm xa do Mỹ cung cấp, các hệ thống tên lửa tầm trung IRIS-T của Đức cũng như tổ hợp tên lửa chống đạn đạo Arrow 3 của Israel.
Được phát triển bởi nhà thầu vũ khí Rafael Advanced Defense Systems và tập đoàn Israel Aerospace Industries, hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) đã được Israel sử dụng từ năm 2011 để theo dõi, đánh chặn và tiêu diệt tên lửa, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) xâm phạm không phận.
Hệ thống này có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi và ứng phó với nhiều mối đe dọa cùng một lúc. Nó cũng có thể đánh chặn và tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và đạn pháo phóng từ khoảng cách 4 - 70 km. Iron Dome đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Israel trước cuộc tấn công của khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hồi tháng 4 của Iran.