Châu Ấn thuyền và câu chuyện về một cuộc chia ly

Công viên văn hóa chủ đề 'Ấn tượng Hội An' (ở Cồn Bắp, Hội An) có rất nhiều thứ để xem ngắm và trải nghiệm.

“Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” bằng tranh động (Gif) trưng bày trong Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An. Ảnh: T.L

Nhưng ấn tượng hơn cả với tôi là không gian “Châu Ấn thuyền” – phòng tái hiện một phần bức tranh quý hiếm “Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” của Nhật Bản mô tả một chuyến hải hành của một Châu ấn thuyền từ hải cảng Nagasaki tới thương cảng Hội An vào thế kỷ 17 bằng công nghệ Gif (tranh động). Lần nào xem đầu cũng văng vẳng một câu ca dao truyền đời của người Hội An, rằng “con cá lui về biển Bắc để chiếc nơm khô một mình”.

Châu Ấn thuyền

Châu Ấn thuyền là một câu chuyện thú vị của lịch sử hàng hải Nhật Bản và thế giới hồi nửa đầu thế kỷ 17 dưới triều Mạc phủ. Bắt đầu vào khoảng năm 1593, Tướng quân Tokugawa Ieyasu sau khi thống nhất Nhật Bản đã có chủ trương thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng thông qua buôn bán.

Ông ban hành chính sách gọi là "Ngự chu ấn trạng" (Goshuinjo) - một giấy phép thông hành đặc biệt cho phép các tàu thuyền Nhật Bản sang buôn bán ở các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là một loại “giấy phép có đóng con dấu màu đỏ" gắn liền với chế độ "Châu ấn thuyền" (Shuinsen) - "Thuyền mang giấy phép có đóng dấu màu đỏ" có trang bị vũ trang do Mạc phủ Tokugawa cấp.

Với chế độ này, chỉ những tàu nào có mang giấp phép đóng dấu đỏ của Mạc phủ mới được phép đi ra nước ngoài buôn bán. Ngược lại, các tàu nước ngoài muốn đến Nhật để buôn bán cũng cần phải có giấy phép của Mạc phủ Tokugawa. Thông qua chế độ này, chính quyền Mạc phủ Tokugawa muốn bảo đảm an toàn cho các tàu buôn của Nhật và nước ngoài, tránh khỏi nạn cướp biển, cũng như xác lập uy quyền của mình.

Theo một số liệu từ Viện nghiên cứu Quốc tế của Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), thì khoảng từ năm 1600 đến 1635, có hơn 350 Châu Ấn thuyền từ Nhật Bản đã vượt biển ra khơi dưới giấy phép thông hành này. Trong đó, có 71 chiếc thuyền đóng ấn son của Mạc phủ cập bến Hội An, kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong đặt quan hệ với Tokugawa (năm 1601) cho đến lúc Mạc phủ Tokugawa ra lệnh bế quan tỏa cảng (năm 1635).

Theo TS Trần Đức Anh Sơn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Đà Nẵng, người có nhiều năm nghiên cứu về giao thương Nhật – Việt thì những chuyến vượt biển của Châu Ấn thuyền tới Đàng Trong đã được người Nhật minh họa trong các bức tranh cuốn “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” (thế kỷ 17), hiện thuộc sở hữu của chùa Jomyo, thành phố Aichi, tỉnh Nagoya và bức “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” (thế kỷ 17 – 18), hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Kyushu (Nhật Bản).

Những hoạt cảnh vẽ trong hai bức tranh có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, bức ở chùa Jomyo đã bị mất một phần, nhưng có chú thích hình ảnh rõ ràng. Ngược lại, bức “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” còn nguyên vẹn, dài hơn 11m (kích thước 32,8 cm x 1.100,7 cm), nhưng không có chú thích.

Qua đối sánh có thể thấy cả hai bức tranh này mô tả toàn bộ hải trình vượt biển từ Nagasaki sang Hội An của thương gia Chaya - một gia đình quyền lực có mối liên quan chính trị với Mạc phủ Tokugawa.

Tranh gồm nhiều trường cảnh được sắp xếp theo trình tự trước sau: Cảnh thành phố cảng Nagasaki; cảnh Châu Ấn thuyền được tàu nhỏ lai dắt vào cảng Hội An, phía sau là đảo Cù Lao Chàm; cảnh khu phố Nhật ở Hội An những hàng quán và túp nhà mọc san sát nhau, các phụ nữ và trẻ con chơi đùa dưới một giàn bầu, xa xa là cổng Dinh trấn Thanh Chiêm (nay là làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thấp thoáng sau rặng tre, có súng thần công, quan binh và chiến tượng bảo vệ...; hình ảnh dòng sông và núi Ngũ Hành Sơn, hình ảnh các thương nhân Nhật Bản dâng quà lên Chúa Nguyễn tại Phủ Chúa ở Phú Xuân...

Chùa Jomyo cũng đang giữ bức tranh cổ Thác kiến Quan Thế Âm, tương truyền là món quà mà Chúa Nguyễn thỉnh từ chùa trên núi Ngũ Hành Sơn để tặng và tỏ lòng tin cậy đối với thương nhân Chaya khi ông tới Hội An buôn bán.

Bức họa được vẽ theo lối “giả tá” và bút pháp ước lệ – không hoàn toàn tả thực những gì đã diễn ra, nhưng nội dung mà nó chuyển tải đủ cho thấy người họa rất am tường bối cảnh sinh hoạt tại thương cảng Hội An đương thời.

Theo khảo sát của giáo sư Kikuchi Seiichi - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Đông Nam Á và các đồng nghiệp của ông tại trường Nữ đại học Chiêu Hòa, có ít nhất ba nhân vật lịch sử hiện diện trong đồ quyển: Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (mặc áo lục, ngồi chính điện); thương gia Araki Sotaro (mặc áo lam, quỳ giữa điện) – người có tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang, hiệu Hiển Hùng, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên ban hôn sự với dưỡng nữ của mình là Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoa (mặc áo vàng, đứng chầu ở sân điện).

Sau gần 5 thế kỷ, vào dịp Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, “Châu Ấn thuyền” mới có dịp quay lại thương cảng Hội An bằng một mô hình phục chế do tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) trao tặng và được đưa vào hoạt động trong “Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản”, sau đó được trưng bày ở đường Nguyễn Thị Minh Khai của thành phố Hội An.

Đây là mô hình của Châu Ấn thuyền năm xưa đã đưa Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoa về quê chồng Nhật Bản. Dịp đó, đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro cũng được tái hiện tại Hội An đã thu hút sự tham quan tâm của đông đảo dân chúng và du khách.

Đặc biệt mới đây, tại Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An”, ba phần chính của bức tranh cuộn “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” đã được tái hiện bằng công nghệ Gif (tranh động) với kích thước 2,5x20m đã tạo nên một điểm nhấn độc đáo cho công viên, cùng với vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” và nhiều hoạt động mới lạ khác, đang kỳ vọng sẽ kéo theo một đêm lưu trú đối với du khách khi đến tham quan phố cổ.

Một phần bức tranh “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” mô tả cảnh Chúa Nguyễn tiếp các thương nhân Nhật Bản. Ảnh: TĐAS

Duyên về đâu, nợ về đâu?

Trong khi Tướng quân Tokugawa Ieyasu ban hành chính sách "Ngự chu ấn trạng" gắn liền với Châu Ấn thuyền thì phía Việt Nam, các Chúa Nguyễn cũng đưa ra những chính sách mềm dẻo với Nhật Bản và nhiều nước khác trong khu vực.

Ngoài chủ trương mở rộng cửa đón thương khách nước ngoài đến buôn bán, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn cho phép hai giới thương nhân nước ngoài là người Nhật và người Hoa tìm địa điểm thích hợp để dựng phố buôn bán lâu dài và cũng từ đó ra đời “phố Nhật” và “phố Khách” (phố của người Hoa) vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.

Hội An bây giờ là kiến trúc còn lại của những khu “phố Khách” – phố của những người Hoa đời Đường, đời “Minh Hương”... sang đây làm ăn sinh sống và định cư. Còn trong thực tế lịch sử, người Nhật mới là người nước ngoài đầu tiên đến sinh sống trên đất Hội An và “phố Nhật” ra đời sớm hơn, khoảng năm 1598, trên vùng đất thuộc phường Minh An của thành phố Hội An hiện nay.

Đã không biết bao lần, tôi ngẩn ngơ lang thang trong phố cổ, đứng trên Chùa Cầu – kiến trúc thời “phố Nhật” duy nhất còn sót lại với những câu hỏi rằng đâu là nơi cộng đồng người Nhật đã lần lượt dựng nên các công trình kiến trúc lớn như: Nhật Bản Dinh, Tùng Bản Dinh và Tùng Bản Tự... khang trang, lộng lẫy một thời còn chép lại trong sử sách?

Đâu là nơi mà Noel Peri, một nhà nghiên cứu Pháp trong tác phẩm “Tiểu luận về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Dương ở thế kỷ 16 và 17” đã viết: “Phố Nhật vào thế kỷ 17 dài chừng ba trăm hai mươi mét, gồm hai dãy nhà nằm gần một cái chợ và bán đủ các mặt hàng. Các dãy nhà đó chạy theo trục một con đường nằm một bên hải cảng có nhiều tàu thuyền cập bến, họp thành đô thị Nhật Bản”?

Đâu là nơi mà Ongura Sadao – một người Nhật trong tác phẩm “Người Nhật thời kỳ thuyền Châu ấn” mô tả chi tiết hơn: “Phố Nhật kéo dài tới ba ô đường. Ở cả hai bên đường, ngay cạnh bờ sông. So với phố người Đường (phố Khách) thì phố Nhật gồm cả những ngôi nhà hai tầng, có cấu trúc cầu kỳ hơn, các ngôi nhà làm sát nhau.

Trong đó có ngôi nhà ba tầng làm rất cầu kỳ. Có thể ngôi nhà đó là nơi hội họp của người Nhật trước đây. Ở những ngôi nhà nhìn ra đường thường có mái hiên để trốn nóng. Không có chỗ nào là không giống dáng dấp của những căn nhà của dòng họ Chaya ở Owari".

Đâu là nơi khu phố Nhật với những hàng quán và túp nhà mọc san sát nhau, các phụ nữ và trẻ con chơi đùa dưới một giàn bầu, xa xa là cổng Dinh trấn Thanh Chiêm thấp thoáng sau rặng tre, có súng thần công, quan binh và chiến tượng bảo vệ... như mô tả trong bức tranh cuộn “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển”?

Người Nhật ở Hội An thời ấy được Chúa Nguyễn ưu đãi về chính trị và thuế khóa. Họ gần như được hoàn toàn tự do trong buôn bán và được cộng đồng

người Việt cảm mến hơn so với các ngoại kiều khác. Đó là thời kỳ bang giao chính trị và thương mại tốt đẹp nhất giữa Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Chúa Thượng Nguyên Phúc Nguyên với Tướng quân Tokugawa leyasu của Mạc phủ Nhật Bản.

Vào thời cực thịnh, phố Nhật ở Hội An đã hơn một ngàn thương nhân Nhật Bản sinh sống và lập ra nhiều cửa hiệu buôn lớn. Vào thời đó có đến 10 dòng họ thương gia giàu có ở Nhật Bản đến buôn bán với Hội An như Suminokura, Kiya, Sueyoshi, Funamoto, Suetsugu, Araki, Hirano, Hashito...

Và tôi đã không tin vào mắt mình khi tiếp cận được với những dòng ghi chép cho biết ngoài Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoa – con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho thương nhân Araki Sotaro, thời ấy còn có rất nhiều thương gia Nhật Bản khác đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam như ông Heizaburo lấy bà Nguyễn Thị Chức; ông Shurikan lấy bà Đỗ Thị Mặn; ông Achiko lấy bà Cụ Thị Chủng, ông Kadoya lấy bà Nguyễn Thị Nụ; ông Heizaemon lấy bà Nguyễn Thị Nở...

Nhưng thời kỳ bang giao chính trị và thương mại tốt đẹp ấy cũng không kéo dài được lâu. Năm 1633, Mạc phủ Nhật Bản cắt đứt quan hệ giao thương với Hà Lan và Bồ Đào Nha với lý do chế độ Châu Ấn thuyền của họ bị vi phạm bằng hành động cướp bóc và đối xử bất bình đẳng ở nước ngoài.

Mạc phủ ra lệnh cấm công dân nước họ không được đi ra nước ngoài bằng đường biển với bất kỳ lý do nào và buộc kiều bào Nhật đang sống và làm ăn ở nước ngoài phải hồi hương trong phạm vi thời hạn nhất định, nếu họ không chấp hành sẽ bị nghiêm trị.

Hai năm sau, năm 1635, chế độ “Châu ấn thuyền” cũng hoàn toàn bị xóa bỏ, từ đó không còn một thương thuyền nào của Nhật bản rời cảng nước mình ở ra nước ngoài, kể cả đến cảng thị Hội An. Và đến năm 1639, Nhật Bản hoàn toàn đóng cửa đối với thế giới bên ngoài.

Người Nhật buộc phải rời Hội An để hồi hương hàng loạt. Và việc hồi hương của họ đã gây bao cảnh chia ly, tan nát gia đình và để lại nhiều đau thương cho những người vợ Việt bởi không phải ai cũng may mắn được có cơ hội theo chồng về Nhật Bản như Công nữ Ngọc Hoa.

Nỗi đau đó đã được truyền đời qua các câu ca dao bi ai, đau đớn mà hơn một lần tôi nghe được từ những người già ở phố Hội: “Cạnh buồm gió thổi hiu hiu/ Nước mắt sa lai láng, dây lưng điều không khô/ Sự tình thảm biết chừng mô/ Con cá lui về biển Bắc để chiếc nơm khô một mình”.

Hay: “Tình ơi, đã khổ ta chưa/ Dế ngâm giọng thảm, ve đưa giọng sầu/ Duyên về đâu, nợ về đâu/ Tai nghe trống điểm trên lầu mấy hơi/ Cuốc than phận cuốc lẻ loi/ Đó lênh đênh phận, đây bồi hồi thân...”.

Buồn, đau, chia ly, tan nát... Nhưng tình cảnh của người Nhật ở Hội An thời đó dù sao vẫn ít thê thảm hơn bởi họ được triều đình chúa Nguyễn giúp đỡ, được người Việt ở đây chia tay, tiễn đưa trong tình cảm luyến tiếc, nhớ thương cùng niềm hy vọng hội ngộ dù mỏng manh.

Mô hình phục chế Châu Ấn thuyền do tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) trao tặng thành phố Hội An. Ảnh: T.L

Vĩ thanh...

Sau cuộc hồi hương hàng loạt của người Nhật, các cơ sở kinh doanh của người Nhật ở Hội An phần lớn đã được các thương gia người Hoa mua lại để phát triển hoạt động buôn bán của mình. Ban đầu, “phố Nhật” hầu như được giữ gìn nguyên trạng. Dần dần về sau người Hoa, người Việt đã xây dựng chồng lên đó những công trình kiến trúc mới.

Rồi những cuộc chiến chiến tranh thời Trịnh – Nguyễn và Tây Sơn tàn phá. Rồi người Việt, người Hoa tái thiết đô thị Hội An theo khả năng và cách của riêng mình. Nhiều nhà cửa, hiệu buôn, hội quán, nhà thờ tộc, công trình tín ngưỡng đã được dựng lên theo phong cách kiến trúc của họ như Chùa Kim Sơn - Hội quán Phước Kiến (1792), Chùa Ông Bổn - Hội quán Triều Châu (1873), nhà thờ tộc Phạm (1818), Miếu âm Hồn (1821), Đình Ông Voi, Tụy Tiền Đường Minh Hương (1908)... Và điều đó vô tình đã xóa đi mãi mãi dấu tích xưa của “phố Nhật” một thời vang bóng trên đô thị cổ Hội An...

Giờ thì ở Hội An, tính thêm cả Đà Nẵng lân cận, dấu tích của cộng đồng người Nhật còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay với những Chùa Cầu do các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng; khu mộ địa của thương nhân Nhật; tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật dựng năm 1640 tại động Hoa Nghiêm trên núi Ngũ Hành Sơn khắc tên nhiều hào thương Nhật Bản cư trú buôn bán tại Hội An đã công đức tiền của để sửa chữa, mở rộng chùa...

May mà còn có mô hình “Châu Ấn thuyền” cùng không gian “Châu Ấn thuyền” với bức tranh động “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” ở Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” để ký ức đúng nghĩa được động đậy. Nhưng có lúc nghĩ cũng chẳng may lắm bởi càng động đậy lại càng nghe luyến tiếc...

hoàng văn minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/chau-an-thuyen-va-cau-chuyen-ve-mot-cuoc-chia-ly-630716.ldo