Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đổi mới tổ chức tòa án, 'chúng ta không làm thì con cháu sẽ phải làm'
'Kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội thế nào, chúng tôi sẽ chấp hành, có thể sẽ giữ nguyên, có thể sẽ đổi mới, nhưng chắc chắn đây là xu thế. Hôm nay chúng ta không làm thì tương lai, con cháu chúng ta sẽ phải làm', Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói về đổi mới tổ chức Tòa án.
Sáng 28/5, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có hơn 10 phút giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu quan tâm, còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Đổi mới là xu thế
Về đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền, qua thảo luận, có nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử, bởi đây là xu thế và các quốc gia trên thế giới đều thực hiện.
Nêu quan điểm về nội dung trên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng phải đổi mới, phải tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Việc này, theo ông Nguyễn Hòa Bình đã có truyền thống, đã có nghị quyết của Đảng, có quy định trong hệ thống pháp luật, trong Hiến pháp.
“Hiến pháp quy định có 2 cấp xét xử và bản thân trong luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, nhiệm vụ cấp phúc thẩm chứ không nói nhiệm vụ của tòa huyện, không nói nhiệm vụ của tòa tỉnh. Tương tự như vậy, tất cả các luật tố tụng đều nói nhiệm vụ của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm và việc đổi mới này là phù hợp với tất cả các luật khác”, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng, xu thế quốc tế cũng là tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. “Quốc hội bỏ phiếu thế nào chúng tôi chấp hành, có thể vẫn giữ nguyên, có thể đổi mới. Nhưng có một điều chắc chắn đây là xu thế, hôm nay chúng ta không làm con cháu chúng ta cũng sẽ làm”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Cần thiết chế bảo vệ các thương hiệu như Gạo ST25, Nước mắm Phú Quốc
Về việc thành lập Tòa án chuyên biệt, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và chắc chắn sẽ không có chuyện thành lập tràn lan, chỗ nào cũng có.
Nêu dự kiến của TAND Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết dự kiến có: 1 TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, 2 TAND chuyên biệt phá sản và các TAND chuyên biệt hành chính thành lập ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM...
Nói riêng về tòa sở hữu trí tuệ, Chánh án TAND Tối cao cho rằng chúng ta đang đối mặt với một thực tế Gạo ST25, Cà phê Trung Nguyên, Bưởi Năm roi, Nước mắm Phú Quốc đăng ký sở hữu tại nước ngoài nhưng các doanh nghiệp trong nước không làm gì được. Vậy nên rất cần một thiết chế tư pháp để bảo vệ những doanh nghiệp và những thương hiệu quốc gia.
“Nếu như chúng ta phải đối mặt với việc kiện tụng các thương hiệu này ở nước ngoài thường phần thua thiệt về phía Việt Nam vì chúng ta yếu về tài chính và luật pháp quốc tế. Đây là câu chuyện rất cần có một tòa về sở hữu trí tuệ hiện nay, tôi chỉ nói một ý như thế nên thực tiễn chúng ta cần phải giải quyết”, ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ quan điểm.
Về vấn đề mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm 17 người và cần có hai đại diện, tức là không quá 15% là những thành viên bên ngoài hệ thống Tòa án, bao gồm điều tra viên, kiểm sát viên, Giáo sư Luật, luật sư…
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, không có luật sư, không có bị cáo… Do vậy, cần có hai thành viên ngoài hệ thống Tòa án để tăng tính phản biện. Đây là vấn đề khoa học.
“Nếu 17 người là thẩm phán thì người ta quan ngại rằng cùng một thói quen, cùng một nếp nghĩ… Đã lựa chọn mô hình tranh tụng thì ngay trong Tòa án cũng phải tôn trọng nguyên tắc này, vì tranh tụng chính là con đường dẫn đến công lý”- theo ông Nguyễn Hòa Bình.