Chạm tới tầng thức sống nhà phật

Khi nghĩ đến Myanmar, tôi lập tức nghĩ đến chùa Vàng. Có thể tôi không nhớ rõ tên chính xác bất cứ ngôi chùa nào ở đất nước này, nhưng tôi biết rõ, tên ngôi chùa nào cũng bắt đầu bằng chữ vàng.

Điều này vừa chỉ ra một thực tiễn là các ngôi chùa ở đất nước Myanmar đều được dát vàng ròng, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, về một giá trị cao quý của tầng thức sống nhà Phật.

Tôi cho rằng, biểu tượng tinh thần của đất nước Myanmar, chính là tầng thức sống nhà Phật, mà những công dân nơi đây, ít nhiều, trong khoảnh khắc cuộc đời mình, có thể chạm vào tầng thức ấy, sống trong đó và cảm nhận giá trị tuyệt vời của tầng thức sống ấy, mà không phải người dân nước nào cũng được trải nghiệm.

Khi tôi vừa ở Myanmar về vào tháng 10/2019, chia sẻ cảm nghĩ của mình như trên với hai người quen làm việc trong hai lĩnh vực khác nhau, thì nhận được những suy nghĩ hoàn toàn khác của họ. Người thứ nhất là Giáo sư ngành Việt Nam học người Hàn Quốc Yu Insun, người dành cả đời mình để nghiên cứu về Việt Nam, ông cho rằng, người Myanmar sống an yên và hào phóng, đáng mến hơn so với người Việt Nam và người Hàn Quốc. Do người Việt Nam cũng như người Hàn Quốc quá ham muốn vượt lên trong lĩnh vực kinh tế, nên chúng ta khá dữ dội, bẳn tính, bất an, chất lượng tinh thần không bằng người Myanmar. Người thứ hai là doanh nhân Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt), anh nhận xét, do người Myanmar có lối sống Phật, tâm Phật, chọn sự bình yên, nhu cầu vật chất không phải là thứ cấp thiết, nên họ chậm phát triển kinh tế hơn so với Việt Nam. Người Myanmar có cái lý riêng của mình trong việc bảo tồn lối sống Phật giáo, cho phép mình tiệm cận với tầng thức sống nhà Phật để hưởng một giá trị sống khác, không pha tạp, không bị bản ngã xô đẩy, không bị rời xa bản thể của mình.

Tầng thức sống nhà Phật là biểu tượng tinh thần của đất nước Myanmar.

Một người Myanmar mà tôi tiếp xúc sâu đầu tiên là Giáo sư Kyaw Win, một nhà nhân học, và còn đương kim Chủ tịch Hội nhà văn Myanmar. Trong một chuyến đi cùng ông thăm vịnh Hạ Long năm 2018, tôi ngạc nhiên thấy ông mặc một bộ quân phục. Điều đó cho thấy ông từng phục vụ trong quân đội. Tất nhiên thôi, vì người đàn ông Myanmar quan trọng nào cũng đều trưởng thành trong hai môi trường: Nhà chùa và quân đội. Giáo sư Kyaw Win găm ấn tượng hình ảnh bên ngoài của ông trong trí nhớ của tôi, chỉ với hai bộ trang phục: trang phục quân đội, và trang phục truyền thống của đàn ông Myanmar với áo cánh và váy cuốn thắt nút to trước bụng. Myanmar là một trong số hiếm hoi các xứ sở mà đàn ông mặc váy, và tương truyền rằng, họ đều giấu “quỹ đen” trong nút thắt váy trước bụng, để che mắt các bà vợ.

Tôi nhớ, khi Giáo sư Kyaw Win lên sân khấu phát biểu trong một sự kiện văn học tại Việt Nam, ông mặc chiếc váy cuốn trứ danh truyền thống, và đi dép tông. Ông thu hút sự chú ý của tôi ngay lập tức bởi chiếc váy và đôi dép tông này. Chiếc váy vải kẻ bằng chất liệu cotton còn hằn nếp gấp, đôi tông mỏng khiến dáng ông đi rất thong dong. Mọi đàn ông Myanmar đều có dáng đi thong dong, dù trẻ hay già. Có lẽ tấm váy và đôi dép không cho phép họ đi nhanh hơn được. Dáng đi này là một quy định ngầm, hay là một phép ẩn dụ Phật giáo, rằng nếu bạn muốn sống tốt, muốn thực sự tận hưởng cuộc sống này, thì hãy chậm rãi nhâm nhi thôi? Mỗi bước chân đi, là một bước thiền, là nụ hôn dịu dàng, cẩn trọng lên đôi môi trái đất?

Tôi không nhớ, trong suốt chuyến đi cùng Giáo sư Kyaw Win tới vịnh Hạ Long, tôi và ông nói những gì, chỉ biết rằng khá vui, và cuối cùng, ông mong gặp tôi trong sự kiện Lễ trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần 10, diễn ra tại Myanmar vào năm 2019. Tôi gật đầu nhưng khá hoài nghi về mong muốn đó, bởi chẳng có cơ sở nào để tôi tin rằng mình có cơ may đến thăm đất nước ngàn ngôi chùa Vàng, trong sự kiện văn học đó. Chỉ có những ai có tác phẩm viết về dòng Mekong, và được giải thưởng thì mới có cơ hội tham dự sự kiện, trong khi tôi còn chưa hề có ý định viết về dòng Mekong.

Nhưng điều bất ngờ kỳ diệu đã xảy ra, tháng 10/2019 khi đúng dịp sự kiện Lễ trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần 10 tại Myanmar, tôi đã có mặt ở đó. Tôi thầm cảm ơn một ước nguyện, dù hết sức ngẫu nhiên, dù có vẻ huyễn tưởng lúc ban đầu của Giáo sư Kyaw Win mà tôi hết sức nghi ngờ, lại có thể trở thành sự thực. Phải chăng đó là khoảnh khắc chúng tôi chạm được vào tầng thức sống nhà Phật?

Khi đến Myanmar, nhất thiết cần đến chùa, vì đó như cơ may của bạn, dù bạn chưa hẳn tha thiết với những khái niệm hay thực hành tâm linh, tôi cũng đến chùa Vàng, cởi dép, đi chân trần, quấn thêm chiếc khăn len rộng làm như tấm váy dài quét gót để được phép vào cửa. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy tại những góc bên ngoài chùa, có những nơi hành lễ khác nhau, đặt những linh vật khác nhau như: hổ, trăn, lợn, rồng, gà,... Hóa ra, người Myanmar không mang họ của cha ông như chúng ta, mà khi một người Myanmar sinh ra vào ngày nào trong tuần, thì ngoài tên riêng được đặt, sẽ kèm thêm ngày thứ trong tuần mà họ được sinh ra, thay cho họ của cha ông. Ví dụ, bạn tên là Hồng, và sinh ra vào Chủ nhật, thì tên đầy đủ của bạn sẽ là Chủ nhật Hồng. Khi người Myanmar xưng tên, lập tức người ta sẽ biết ngày thứ trong tuần mà người đó sinh ra, nhờ truyền thống đặt tên đặc biệt này. Và với mỗi ngày thứ trong tuần, sẽ ứng với mỗi linh vật, khi bạn vào chùa, bạn sẽ mang lễ đến đúng góc hành lễ có linh vật ứng với tên của mình.

Ngoài việc thán phục trước những ngôi chùa dát hàng tấn vàng với tháp nhọn vút cao, thì tôi đặc biệt chú ý đến những sảnh lớn trong khuôn viên mỗi chùa Vàng, nơi các gia đình người Myanmar tới nguyện cầu, sảnh nào cũng chật người. Từ người lớn đến trẻ con, có thể ngồi cả ngày tại đây, dưới cái nóng tới 40 độ, để thiền định, họ thậm chí mang theo thức ăn. Hàng trăm người ngồi cùng nhau, tập trung thiền định, trong một không khí thiêng liêng, họ đồng cảm, đồng lòng, đồng năng lượng tĩnh, cùng nhập định để được chạm đến một tầng thức sống phi vật chất, phi thời gian, xóa bản ngã, để được an yên, hạnh phúc.

Sau những sự kiện, những buổi đi thực tế bên lề Lễ trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần 10, tôi cùng 4 nhà văn, nhà thơ Việt Nam được một buổi sáng tự do khám phá thành phố Yangon và mua sắm. Lượn đi khắp các con phố chính tại thành phố thương mại lớn nhất của Myanmar, chúng tôi thán phục trước màu xanh huyền diệu của cây lá. Thành phố cứ như chìm trong rừng cây, trong công viên và hồ nước xanh mát. Nhà thơ Hữu Thỉnh thốt lên, nơi đây xứng đáng để ta quay trở lại lần nữa. Quả vậy, đi trên phố, nhìn sang hai bên đường, ta không thể biết có gì phía sau tán cây. Tán cây dày xanh mát giấu kín thành phố như một điều bí mật. Những đàn quạ bay lượn loạn xạ qua bầu trời hẹp trên phố, đậu trên những bức tường nhà cũ, trên nóc nhà, trên tán cây và cất giọng ám ảnh. Tôi nghĩ, sao nơi đây nhiều quạ đến vậy, và lạy Phật, chúng ăn gì mà sống?

Đúng lúc ấy, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cất tiếng, nơi nào thiên nhiên và không khí trong lành thì quạ mới ở.

Hy vọng lời của ông là đúng! Và tôi sẽ còn trở lại Myanmar, vì còn nhiều điều bí ẩn ở nơi này mà tôi chưa kịp khám phá, và còn bởi lời mời hào phóng của Giáo sư Kyaw Win, rằng “bất cứ khi nào cô muốn tới Myanmar, hãy tới nhà tôi ở, vợ chồng tôi luôn rộng cửa đón cô!”.

Kiều Bích Hậu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-toi-tang-thuc-song-nha-phat-n168015.html