Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa (VTG) phổ biến nhất trong các bệnh lý của tai, được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp tính. VTG cấp có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán chính xác và điều trị hợp lý. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ tự ý mua thuốc điều trị theo mách bảo khiến bệnh nặng thêm và có thể gây biến chứng.

Vì sao trẻ hay bị viêm tai giữa?

Tai giữa được nối với mũi và họng bởi vòi nhĩ. Bình thường, vòi nhĩ giúp cân bằng áp lực trong và ngoài tai, đồng thời làm khô dịch ở tai giữa. Hầu hết viêm tai xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh và thường kèm theo sưng và viêm vòi nhĩ.

Khi vòi nhĩ bị viêm làm tắc vòi hoàn toàn gây ứ dịch ở tai giữa. Sự ứ dịch ảnh hưởng tới thính lực của trẻ ở mức độ nhẹ, do màng nhĩ và các xương nhỏ ở tai giữa khó truyền rung động âm thanh trong dịch. Mặt khác, dịch đọng lại ở tai giữa tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và virus phát triển gây bệnh. Dịch viêm và mủ chèn ép tai làm cho trẻ rất đau.

VTG ở trẻ em nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận biết

VTG ở trẻ em nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm và khó khắc phục như viêm màng não, áp-xe não, gây liệt dây thần kinh số 7. Lâu dài, trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.

Viêm tai thường gặp ở trẻ còn quá nhỏ nên khó biết trẻ biểu hiện thế nào. Các triệu chứng thường thấy của viêm tai như sốt, đau, quấy khóc... Trẻ nhỏ khi bị đau tai có biểu hiện mệt mỏi và tiếng khóc khác với khóc khi đói hoặc gắt ngủ. Nếu bạn chú ý có thể nhận ra tiếng khóc của bé khi bị bệnh. Có lẽ khi khóc, các cơ ở hàm và mặt cử động sẽ làm cho đau tai tăng lên nên tiếng khóc sẽ khác. Có thể thấy trẻ cọ hoặc kéo tai và không đáp ứng với âm thanh do sức nghe bị kém đi. Trẻ bị VTG rất đau và kèm theo sốt. Trẻ chán ăn, có biểu hiện chóng mặt hoặc mất thăng bằng, trẻ lớn biết kêu đau tai và nhăn nhó vì đau.

Khi trẻ kêu đau tai kéo dài hơn 1 ngày hoặc kèm theo sốt, cha mẹ nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Nếu nhìn thấy máu và mủ chảy ra, có thể là dấu hiệu trẻ đã bị rách màng nhĩ. Cần cảnh giác với dấu hiệu viêm tai giữa khi trẻ mất ngủ, cáu kỉnh và kém ăn sau khi trẻ bị cảm lạnh.

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Chế độ vệ sinh: Nếu chảy dịch mủ làm sạch tai cho trẻ, không nên lau quá sâu, không dùng bông nút kín tai. Nên để dịch thoát ra ngoài tự nhiên. Không nên để nước vào tai. Rửa mũi cho trẻ 2-3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý ấm.

Chế độ ăn uống: Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và uống thêm các loại nước hoa quả. Đối với trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ bú tăng số lần lên.

Dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ: Ngoài ra, khi trẻ sốt, cần chườm ấm cho trẻ, mặc quần áo mỏng, thấm mồ hôi. Ở phòng thoáng mát, không đóng kín cửa kết hợp dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nếu trẻ sốt trên 38,5oC hoặc đau nhiều cách nhau 4-6 giờ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi trẻ có 1 trong các biểu hiện như: Trẻ đau tai tăng lên. Sốt cao liên tục dùng thuốc hạ sốt và chườm ấm không đỡ. Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú. Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân nhiều lần trong ngày. Các dấu hiệu bệnh của trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị..., cần đưa trẻ đi khám ngay.

BS. Nguyễn Ánh Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-tre-bi-viem-tai-giua-n178354.html