Chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ tháng 10-2017 đến nay, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo 'thẻ vàng' đối với sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam vào thị trường châu Âu chịu tác động lớn. Nhất là phát sinh nhiều chi phí lưu kho bãi, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa,...

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ tháng 10-2017 đến nay, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam vào thị trường châu Âu chịu tác động lớn. Nhất là phát sinh nhiều chi phí lưu kho bãi, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa,...

Không chỉ gây nên những thiệt hại về kinh tế, quyết định cảnh báo “thẻ vàng” của EC được công khai trên các website, qua đó làm giảm uy tín, gia tăng nguy cơ bị ảnh hưởng xấu ở những thị trường tiềm năng khác. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực thi hành đang là cơ hội lớn cho thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ðược biết, để gỡ “thẻ vàng”, gần ba năm qua, các ngành chức năng từ T.Ư đến địa phương đã tích cực vào cuộc, nỗ lực khắc phục theo những khuyến nghị của EC nhằm đáp ứng các yêu cầu của quốc tế. Việt Nam đã hoàn thành khối lượng lớn công việc theo các nhóm mà EC khuyến nghị. Trong đó, đã thể chế hóa chín khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017. Rất nhiều hoạt động có những bước tiến tích cực, từ đăng ký tàu thuyền, lắp thiết bị định vị, đến quản lý bến cảng, khai báo, tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc... Ðặc biệt, tính đến ngày 31-8, số lượng tàu cá cả nước có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình là gần 25 nghìn chiếc, đạt tỷ lệ 80,61%...

Tuy nhiên, những gì đã đạt được trong thời gian qua vẫn chưa đủ để EC rút “thẻ vàng”. Nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, mặc dù có giảm nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp. Nhiều tàu khi ra khơi không sử dụng thiết bị giám sát hành trình, hoặc tắt thiết bị định vị, hay lấy thiết bị định vị đặt lên tàu khác, thậm chí gỡ bỏ thiết bị giám sát xuống biển…, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát tàu thuyền trên biển. Ðiều này cho thấy ý thức chấp hành luật pháp của chủ tàu, ngư dân chưa nghiêm; công tác tuần tra, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển vẫn còn hạn chế. Ðặc biệt, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương ven biển chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm về IUU. Chính quyền cấp cơ sở một số nơi còn coi nhẹ công tác xử lý, chủ yếu phạt hành chính, rất ít vụ việc bị khởi tố để răn đe. Trong khi công tác phối hợp giữa các bộ, ngành T.Ư và địa phương thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ T.Ư đến địa phương có liên quan. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm Công văn số 81-CV/TW ngày 20-3-2020 của Ban Bí thư về công tác phòng, chống IUU. Các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển cần chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.Trong đó, quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống IUU, nhất là trong công tác xử lý hành vi IUU. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả triển khai chống IUU, cũng như tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên, hộ ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan những nội dung mới sửa đổi của Luật Thủy sản 2017, và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để biết và thực hiện. Ðồng thời vận động cộng đồng ngư dân ven biển, các thành phần kinh tế có liên quan tích cực tham gia công tác phòng, chống, phát hiện, ngăn chặn, tố giác các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về IUU.

Về lâu dài, ngành thủy sản cần đổi mới, tái cơ cấu để giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó có nuôi trồng biển, hướng đến xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/cham-dut-tinh-trang-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-618991/