Cha phun xăm môi cho con gái 5 tuổi có phạm luật?

Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và Luật Trẻ em đều quy định cha mẹ phải hỏi ý kiến của trẻ trong các vấn đề liên quan đến trẻ, bảo đảm cho con phát triển lành mạnh và toàn diện.

Tối 10-4, mạng xã hội lan truyền video một bé gái năm tuổi ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trở thành “người mẫu đại diện” để chính cha mẹ quảng cáo về dịch vụ phun xăm cho mỹ viện của gia đình.

Chiều con không phải cách?

Video được đăng lên mạng xã hội Facebook của chủ mỹ viện này cũng là cha của bé gái, kèm nội dung: “Cô khách nhí 5 tuổi, chị em nhìn mà lấy động lực nhé, cô nàng nào sợ đau thì nhìn em đi nè” để quảng cáo dịch vụ phun môi tế bào gốc với giá rẻ.

Cha bé gái tiếp tục viết: “Môi đã bong, sẽ tốt hơn cho bé và đảm bảo không ảnh hưởng về sau nếu dòng mực tốt và kỹ thuật chuẩn... Hiện nay, đa số học sinh đến trường đều thích dùng son nhiễm chì, rất có hại về sau nên chúng tôi đã làm môi cho con gái để an toàn cho con gái hơn”.

Hình ảnh bé gái năm tuổi bị phun môi thẩm mỹ lan truyền trên mạng. Ảnh: MXH

Hình ảnh bé gái năm tuổi bị phun môi thẩm mỹ lan truyền trên mạng. Ảnh: MXH

Sau khi đăng tải và hứng chịu bất bình của dư luận, người cha đã gỡ toàn bộ bài viết trên mạng. Trả lời báo chí, người cha cho rằng ông chiều con nên làm cho vui chứ không ép con để câu view, câu like hay quảng cáo cho mỹ viện của gia đình.

Trên các diễn đàn về y khoa, nhiều chuyên gia y tế, chuyên gia thẩm mỹ nhận định rằng xăm môi là thủ thuật xâm lấn, có thể thực hiện bằng bút thủ công hoặc bằng máy nhưng tiềm ẩn rất nhiều biến chứng.

Đặc biệt, vùng môi là vùng nhạy cảm hơn các bộ phận khác nên việc xăm môi cũng có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Đối với trẻ năm tuổi, đang trong giai đoạn phát triển, nếu không có chỉ định thẩm mỹ thì tuyệt đối không nên can thiệp bằng bất cứ biện pháp gì.

Cần tuýt còi vì phạm luật

Theo luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc cha mẹ lấy con làm mẫu quảng cáo trên mạng xã hội sẽ để lại những hậu quả khó lường. Khi hình ảnh bị phổ biến, con rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Luật không cấm chỉnh sửa khuyết tật cho trẻ vì có nhiều trẻ cần được can thiệp khi bị sứt môi, hở hàm ếch. Tuy nhiên, viêc can thiệp này phải có chỉ định của bác sĩ.

Thực tế, nhiều cha mẹ thường quyết định hết các việc của con cái và xem đó là quyền đương nhiên mà mình có đối với con. Họ coi con là tài sản của mình, do mình sinh ra và nuôi dưỡng nên muốn làm gì thì làm. Họ giành quyền quyết định mọi việc liên quan đến con mà không hỏi ý kiến của con.

Tuy nhiên, Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và Luật Trẻ em 2016 đều khẳng định cha mẹ cần phải hỏi ý kiến của trẻ trong các vấn đề liên quan đến trẻ, bảo đảm cho con mình được phát triển lành mạnh và toàn diện.

Trong vụ việc này, dù bé gái có đồng ý đi nữa thì trẻ vẫn chưa có đủ nhận thức để có thể lựa chọn một quyết định đúng đắn trong việc chấp nhận tác động để thay đổi cơ thể của mình.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Khoản 10 Điều 6 Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm những hành vi, dịch vụ gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Không phải làm cha mẹ thì có quyền làm bất cứ việc gì đối với con mình, cho dù là làm đẹp cho con, làm cho con vui.

Đối với việc can thiệp thẩm mỹ cho con thì càng phải cân nhắc bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do cơ thể phát triển chưa toàn diện. Việc này bắt buộc cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn và nếu thực hiện phải làm tại các cơ sở thẩm mỹ hoạt động đúng pháp luật. Cụ thể là tuân theo các quy định tại Nghị định 155/2018 (sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế).

Trong khi đó, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng cần phải lên án hành vi của người cha vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ, nhất là khi trẻ mới chỉ năm tuổi. Cơ quan chức năng và báo chí cần phản ánh vụ việc này để cảnh tỉnh đối với một số phụ huynh khác, nhằm ngăn ngừa các hành vi tương tự, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của con trẻ.

Trẻ có quyền được tôn trọng đặc điểm nhận diện cá nhân

Luật Trẻ em 2016 quy định: Trẻ có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi, bao gồm cả đặc điểm nhận diện cá nhân. Mọi hành vi đối với trẻ phải phù hợp với độ tuổi, lứa tuổi phát triển của trẻ. Cha mẹ, người giám hộ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ hành vi của mình đối với trẻ.

Chúng ta cần phải xem xét trường hợp trẻ năm tuổi được cha mẹ xăm môi rồi đưa lên Facebook đã phù hợp với độ tuổi, lứa tuổi phát triển của trẻ và vì lợi ích tốt nhất của trẻ ở thời điểm hiện tại, tương lai chưa? Nếu cha mẹ vi phạm phải truy cứu trách nhiệm. Theo tôi, tuy chưa có quy định cụ thể để xử lý hành vi trên của cha mẹ nhưng cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt Luật Trẻ em và các văn bản liên quan để xử lý phù hợp mức độ vi phạm.

Chỉ thị 23/2020 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cũng nhấn mạnh cần xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em kể cả bậc cha mẹ, người chăm sóc hoặc người giám hộ…
Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi). Trên cơ sở này, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nghị định hướng dẫn luật, theo hướng quy định chi tiết các hành vi vi phạm về mặt hành chính, kể cả hành vi vi phạm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người giám hộ để có chế tài phù hợp.

Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH

(VIẾT LONG ghi)

Quyền bảo vệ thân thể trẻ em ở nước ngoài

>

Ngoại trừ Mỹ, tất cả quốc gia thành viên còn lại của Liên Hợp Quốc đã ký và phê chuẩn công ước về quyền trẻ em. Theo công ước này, các nước cam kết “bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị thương tổn hoặc lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc xao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục”.

Nhiều nước có quy định rõ ràng về việc khởi tố hành vi lạm dụng hoặc bỏ mặc trẻ em. Tuy nhiên, ở mỗi nước, cách diễn giải về các hành vi bạo lực, xâm hại, ngược đãi hay hành hạ trẻ em khác nhau.

Tại Thái Lan, theo Đạo luật Bảo vệ trẻ em, các hành vi gây ra nguy hiểm về thể chất hoặc tinh thần cho trẻ em hoặc xúi giục trẻ em thực hiện các hành động có thể gây tổn hại về thể chất hoặc tinh thần cho trẻ bất kể trẻ em có đồng ý hay không đều bị coi là hành hạ trẻ em. Không một ai (kể cả cha mẹ hay người giám hộ) được ép buộc, xúi giục hay sử dụng trẻ em cho các hoạt động thương mại theo cách cản trở sự phát triển hay hành hạ trẻ em. Người vi phạm điều luật này sẽ bị phạt tù không quá ba tháng và/hoặc nộp phạt không quá 30.000 baht (hơn 21,9 triệu đồng).

Nhật quy định “hành hung trẻ em theo cách gây ra hoặc có khả năng gây ra thương tích bên ngoài trên cơ thể trẻ em” là một trong những dạng ngược đãi trẻ em. Người ngược đãi trẻ em sẽ có thể bị tước quyền nuôi dưỡng, hạn chế hoặc cấm liên lạc, tiếp xúc với trẻ trong không quá sáu tháng. Lệnh hạn chế có thể được gia hạn một lần, thêm không quá sáu tháng. Nếu vi phạm lệnh hạn chế này, người ngược đãi trẻ có thể bị phạt tù cải tạo không quá một năm và/hoặc nộp phạt không quá 1 triệu yen (hơn 210,8 triệu đồng).

HOÀN ĐỨC

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/cha-phun-xam-moi-cho-con-gai-5-tuoi-co-pham-luat-978716.html