Cây mắc ca Việt Nam có thể 'đi sau nhưng phải về trước' để đứng đầu

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới” do Bộ NN & PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức ngày 29-9. Cho rằng rất hiếm có loại cây nào mà tăng trưởng đến 24%/năm, giúp người dân vùng sâu vùng xa xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm giàu và bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia tốt như mắc ca nên đây chính là tiền đề để chúng ta có trách nhiệm làm thế nào để những cây trồng có giá trị được quan tâm, đầu tư phát triển.

Thủ tướng tham quan khu trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo số liệu tại hội nghị, sau 5 năm triển khai quy hoạch cây mắc ca, đến nay, cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha. Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). Đến nay, sản phẩm mắc ca của nước ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả bước đầu phát triển cây mắc ca trong 3 năm qua sản lượng mắc ca đã tăng 25 lần sản lượng, đạt 7.000 tấn hạt mắc ca, xuất khẩu trên 80%. Đây là một thắng lợi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. So sánh với ngành trồng cà phê – lĩnh vực xuất khẩu chiếm vị trí thứ 2 thế giới của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, mắc ca “đi sau về trước”, phát triển bước đầu ở Việt Nam đã thành công. Mắc ca cần 10 năm hay 20 năm để phát triển thành loại cây trồng xuất khẩu đứng đầu thế giới của Việt Nam? Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng đây là lợi thế so sánh quan trọng của Việt Nam. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp, các nhà khoa học và doanh nghiệp, người nông dân cần trả lời cho được những câu hỏi để mắc ca phát triển xứng tầm với điều kiện của Việt Nam. Cây mắc ca là cây chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt chứ không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế.

Quang Vũ - Anh Dũng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_232209_cay-mac-ca-viet-nam-co-the-di-sau-nhung-phai-ve-t.aspx