Cây bút say mê viết về Hà Nội

Sau thế hệ những nhà Hà Nội học vang danh như Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn, Giang Quân,... độc giả hiện nay đã có thể nhìn thấy thế hệ nối tiếp với lối đi riêng đáng trân trọng. Trong đó, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý là một cây bút nổi bật viết về Hà Nội, dưới góc nhìn đa chiều.

Nguyễn Trương Quý chưa bao giờ tự nhận mình là nhà Hà Nội học, có chăng bạn đọc say mê tác phẩm của anh nên “phong” cho anh danh xưng này. Ngoại hình Nguyễn Trương Quý trẻ trung, tác phong sôi nổi so với tuổi đời cận kề 50, khác xa hình dung về kiểu nhà văn, nhà nghiên cứu thường sẽ có vẻ ngoài đạo mạo.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: ĐẬU DUNG

Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: ĐẬU DUNG

Đọc gần 10 tác phẩm của Nguyễn Trương Quý viết về Hà Nội dễ nhận ra hai công việc chiếm trọn sự nghiệp của anh. Trước hết, anh là một nhà nghiên cứu về Hà Nội, sớm ý thức gặp gỡ nhân chứng lịch sử, thu thập tư liệu rất công phu. Hầu hết những cuốn sách của anh viết các giai đoạn lịch sử của Hà Nội (Pháp thuộc, thời tạm chiếm và những năm đầu sau giải phóng), anh đã trực tiếp trò chuyện với nhiều nhân chứng khi họ vẫn còn trên dương thế. Nhiều thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, anh đều bỏ nhiều thời gian đọc, sao chụp.

Mặt khác, Nguyễn Trương Quý là nghệ sĩ đa tài, mà nổi bật là tài nghệ văn chương. Đọc sách khảo cứu của anh, người ta không thấy nặng nề các số liệu, hay bị lạc vào “rừng” của khái niệm, lý thuyết nghiên cứu văn hóa, văn nghệ. Nguyễn Trương Quý là trường hợp hiếm hoi có khả năng khảo cứu dưới hình thức văn chương. Như cuốn sách “Còn ai hát về Hà Nội” (2013) viết về những bài hát nổi tiếng về Hà Nội, đọc tiêu đề những bài khảo cứu nhỏ rất gợi cảm: “Về đôi mắt như hồ thu”, “Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng”, “Hồ Gươm vẫn nhớ và em vẫn đợi chờ”... Tác giả đã kể lại một cách hệ thống không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, tinh tế trong quan sát, mạch lạc pha hài hước trong nhận xét, và vẫn với giọng từ tốn duyên dáng bởi những bất ngờ trong chi tiết, mang lại sự hấp dẫn cho người đọc nhiều lứa tuổi.

Một mảng sáng tác khác, thuần túy văn chương hơn của Nguyễn Trương Quý là những tập tản văn. Bản thân mỗi tập tản văn đều có ý đồ riêng để tập trung làm rõ một vấn đề mà tác giả suy nghĩ lâu nay. “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004), cuốn sách tiểu luận đầu tay của Nguyễn Trương Quý vốn được coi như một loại “hồ sơ kiến trúc” qua những quan sát về hình thái đô thị. Song một đô thị ngàn năm tuổi như Hà Nội, dấu ấn con người gắn với văn hóa lối sống là điều quan trọng và đặc sắc. Vậy nên cuốn tản văn thứ hai “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008) là chân dung về con người sống trong đô thị, song đối tượng của anh miêu tả là giới văn phòng với các thói tật. Những cuốn tản văn tiếp theo như “Hà Nội là Hà Nội”, “Xe máy tiếu ngạo”,... là một cuộc khảo sát văn chương về thị dân đương đại, tiếp tục quan sát và nghiền ngẫm về hành vi và lối sống của họ.

Nguyễn Trương Quý không chỉ là người đi tìm thời gian đã mất, viết về điều xưa cũ, để độc giả ngày nay hoài niệm. Anh trực tiếp viết về văn hóa lối sống đương đại mà chính anh là một nhân chứng. Điều này rất có ý nghĩa, bởi cái mà chúng ta gọi là đương đại, có khi chỉ 10 năm, 20 năm sau, nhiều thói quen và hành vi cũng sẽ mất dấu, nhất là trong thời buổi nhịp sống hiện đại vội vã.

Một loạt cuốn sách gần đây của Nguyễn Trương Quý nghiên cứu âm nhạc, là “cây cầu” để nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hà Nội. Hà Nội là thủ đô văn hóa văn nghệ, các ngành nghệ thuật đều hội tụ, kết tinh và lan tỏa từ đây, vì vậy độc giả có thể chờ đợi những cuốn sách tiếp theo của Nguyễn Trương Quý về mỹ thuật, điện ảnh, văn chương, kịch nói...

Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977 tại Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, thạc sĩ Trường Đại học Stirling (Vương quốc Anh). Nguyễn Trương Quý đã xuất bản hơn 10 đầu sách, gồm khảo cứu, tản văn, truyện ngắn, dịch thuật. Nguyễn Trương Quý giành được nhiều giải thưởng uy tín, nổi bật là Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 (2019) với biên khảo “Một thời Hà Nội hát-Tim cũng không ngờ làm nên lời ca”. Ngoài ra, anh còn vẽ tranh, giảng dạy, dẫn chương trình cho nhiều sinh hoạt văn nghệ, khoa học trong và ngoài nước.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/cay-but-say-me-viet-ve-ha-noi-797229