Cầu sắt Bình Lợi được xây dựng từ những năm đầu 1900 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1902. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức. Công trình có 6 nhịp với với kết cấu vòm thép, dài 275 m.
Mặt cầu được thiết kế đi cùng đường sắt - đường bộ (quốc lộ 1 cũ). Trải qua nhiều năm chiến tranh, các nhịp cây cầu bị thay đổi so với 6 nhịp thép vòm mạ cong nguyên bản khi mới xây dựng.
Cây cầu sắt 117 tuổi chuẩn bị chấm dứt sứ mệnh đưa những đoàn tàu qua sông khi cầu sắt mới được xây dựng bên cạnh chuẩn bị được đưa vào sử dụng.
Ngoài phục vụ đường sắt, cầu còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh. Vào thời điểm xây dựng cầu mới, phần đường này được đóng lại để đảm bảo an toàn thi công. Các đoàn tàu qua cầu cũng phải giảm tốc độ.
Tuổi đời cả thế kỷ và bị xuống cấp nghiêm trọng, cây cầu có ảnh hưởng đến giao thông đường thủy khi độ tĩnh không thấp, chỉ 1,8 m, gây khó khăn cho tàu thuyền lưu thông bên dưới.
Bên cạnh đó, nhiều vụ tàu bè va vào cầu gây gián đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Cơ quan chức năng gắn camera theo dõi cầu, hoạt động qua lại của tàu thuyền ngay dưới gầm cầu.
Ban đầu, ngành đường sắt dự định sau khi cầu xe lửa mới có độ tĩnh không đến 7 m đi vào hoạt động thì sẽ tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ với lý do đã xuống cấp và tạo thuận lợi cho giao thông thủy. Tuy nhiên, phương án tháo dỡ gặp phải nhiều ý kiến phản đối của một số chuyên gia đô thị, nhà nghiên cứu di sản.
Ngoài nhịp 3 phía quận Thủ Đức, 1 nhịp dài 22 m còn lại bên phía quận Bình Thạnh là những hạng mục còn giữ được nguyên hình dạng vòm vành lược của Pháp xây dựng. Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết một số chuyên gia đánh giá cầu sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP.HCM và ngành đường sắt Việt Nam nên cần được bảo tồn, nghiên cứu.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đề xuất lên UBND TP.HCM phương án bảo tồn nguyên trạng tại chỗ 2 nhịp cầu phía bờ quận Thủ Đức, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh đầu cầu. Đây là phương án sau nhiều buổi làm việc của Sở này với các đơn vị liên quan như Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Bảo tàng TP, Ban Quản lý dự án 7.
Theo phân cấp, cầu sắt Bình Lợi đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý. Ngành đường sắt muốn giao phần bảo tồn cho đơn vị có chức năng của thành phố tiếp tục quản lý, duy tu và bảo dưỡng. Đồng thời, phương án này mục đích để phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử ngành đường sắt và khai thác du lịch. Trong hai nhịp cầu được bảo tồn, một nhịp vòm thấp dài 22 m nằm trên phần đất bờ sông, nhịp còn lại là nhịp cầu quay dài 40 m duy nhất còn sót lại.
Đây là nhịp cầu quay do hãng thầu Pháp Levalllois Perret thi công (tên của Công ty Eiffel do Gustav Eiffel, kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập), có giá trị lịch sử đặc biệt, hiếm có với kết cấu trụ được bọc đá nguyên khối. Trải qua hơn 1 thế kỷ, hệ thống quay vuông góc 90 độ của nhịp cầu hầu như còn nguyên vẹn các bộ phận.
Nhịp cầu được thiết kế để mở đường cho tàu thuyền qua lại khi tĩnh không của cầu quá thấp. Hệ thống răng cưa, bi lăn, trục xoay của nhịp dù đã gỉ sét nhưng vẫn còn nguyên hình dạng, kết cấu từ khi xây dựng.
Hai hệ thống bánh răng cưa hai bên của nhịp cầu gần như còn nguyên theo thời gian.
Những thanh dầm, mái vòm của hai nhịp cầu này dày đặc đinh tán chưa bị hư hại. Việc bảo tồn hai nhịp cầu này sẽ giữ toàn bộ hệ mố, trụ, nhịp dầm thép, mặt cầu và một đoạn đường ray.
Tháp canh cao gần chục mét nằm bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh cũng được bảo tồn. Xung quanh tháp thiết kế các cửa sổ khung sắt, lỗ châu mai cùng mặt tường còn dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948".
Hình dáng, kết cấu của lô cốt vẫn còn nguyên, nhiều năm một phần được sử dụng làm kho chứa đồ của trạm đường sắt Bình Lợi, một phần bỏ hoang cư dân trạm dùng để nuôi gà.
Kết cấu mái cũ của phần chính không còn, mái lợp tôn cũng đã bị hư hỏng. Việc bảo tồn tại chỗ những hạng mục này nhằm lưu giữ dấu tích xưa của cầu đường sắt Bình Lợi, chứng tích lịch sử, văn hóa của Sài Gòn xưa.
Trải qua 25 năm làm công việc canh, điều tiết tuyến tàu qua cây cầu này, ông Nguyễn Văn Hiệp không khỏi bùi ngùi khi sắp tới cây cầu sẽ ngưng hoạt đông, tháo dỡ một phần. "Cây cầu sắt không chỉ gắn bó với công việc, cuộc sống của tôi mà là nơi lưu giữ nhiều ký ức của người dân thành phố. Để phát triển cần phải có cầu mới thay thế nhưng nếu cầu cũ được bảo tồn một phần thì điều đó rất có ý nghĩa với nhiều người", nam nhân viên đường sắt chia sẻ.
Dù trải qua thời gian hơn một thế kỷ, chịu ảnh hưởng của mưa, nắng, chiến tranh tàn phá, cây cầu vẫn luôn giữ được vai trò, tầm quan trọng không chỉ của khu vực mà cả tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đối với phần cầu đường sắt bị tháo dỡ phía quận Bình Thạnh, Sở Giao thông Vận tải đề xuất thành phố giao Trung tâm Quản lý đường thủy nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy.
Lê Quân